Ba mươi sáu kế (三十六計, Tam thập lục kế; hay 三十六策, Tam thập lục sách) là một bộ sách tập hợp 36 sách lược quân sự của Trung Quốc cổ đại, ba mươi sáu kế bắt đầu xuất hiện từ thời Nam Bắc Triều và tới thời nhà Minh thì được tập hợp thành sách.
Sự sắp xếp của Tam Thập Lục kế khá là đặc biệt. Mỗi chương 6 kế (6 chương: Thắng chiến kế, Địch chiến kế, Công chiến kế, Hỗn chiến kế, Tịnh chiến kế, Bại chiến kế), mỗi kế đều dùng 4 từ để miêu tả. Riêng chương cuối cùng thì cả 6 kế đều chỉ có 3 từ.
Thắng chiến kế
Man thiên quá hải
Giải nghĩa: Giấu trời qua biển, lợi dụng sương mù để lẩn trốn
Điển cố: Gia Cát Lượng dùng một biến thể là kế Thuyền cỏ mượn tên để lừa lấy tên của Tào Tháo trong trận Xích Bích.
Vây Ngụy cứu Triệu
Giải nghĩa: Để cứu nước Triệu thì cần mang quân vây nước Ngụy
Điển cố: Thời Chiến Quốc, Bàng Quyên đem quân nước Ngụy tấn công nước Triệu rất gấp. Tôn Tẫn, bạn học cũ của Bàng Quyên, bày kế cho nước Tề đem quân vây nước Ngụy, y rằng Bàng Quyên phải kéo quân về giải vây, nước Triệu được cứu. Xem thêm
Tá đao sát nhân
Giải nghĩa: Mượn dao giết người, mượn tay người khác để giết kẻ thù
Điển cố: Thời Tam Quốc Tào Tháo ghét Nễ Hành tính tình ương bướng không chịu khuất phục bèn cử ông ta đến chầu Lưu Biểu. Quả nhiên Nễ Hành làm Lưu Biểu tức giận rồi bị giết.
Ngạn ngữ Trung Quốc có câu: “Sát nhân bất kiến huyết, kiến huyết phi anh hùng“. (Giết người không thấy máu, thấy máu không anh hùng).
Dĩ dật đãi lao
Giải nghĩa: Lấy nhàn để đối phó với mỏi mệt
Điển cố: Trong Trận Phì Thủy, Phù Kiên đem một triệu quân tấn công nhà Tấn. Tuy nhiên Tạ An, Tạ Huyền nắm vững tinh thần Dĩ dật đãi lao nên dùng quân Tấn ít hơn nhưng tinh nhuệ, có trật tự, được nghỉ ngơi, đánh cho Phù Kiên đại bại.
Tôn Tử gọi thế là: “Ẩn sâu dưới chín từng đất, hành động trên chín từng trời“.
Sấn hỏa đả kiếp
Giải nghĩa: Tranh thủ nhà cháy mà đánh cướp, lợi dụng lửa để hành động
Điển cố: Trước trận Xích Bích, Lưu Bị chỉ là một lãnh chúa nhỏ nắm trong tay một thành Tương Dương người thưa quân ít. Lợi dụng thất bại của Tào Tháo ở Xích Bích, Lưu Bị tung quân chiếm Kinh Châu rồi từ đó phát triển thế lực ngang bằng với Tào Tháo, Tôn Quyền.
Thanh đông kích tây
Giải nghĩa: Giương Đông kích Tây, vờ đánh một hướng nhưng thực chất là đánh hướng ngược lại
Điển cố: Sau trận Xích Bích, Gia Cát Lượng cho quân đốt lửa trong đường hẻm Hoa Dung để Tào Tháo nghi ngờ rằng quân Lưu Bị dùng kế giương Đông kích Tây rồi chọn chính đường Hoa Dung để rơi vào bẫy của quân Quan Vũ.
Địch chiến kế
Vô trung sinh hữu
Giải nghĩa: Không có mà làm thành có
Điển cố: Trong Trận Phì Thủy, để khỏa lấp sự chênh lệch lớn về quân số, Tạ An, Tạ Huyền tung quân Tấn tấn công sớm lực lượng quân Tần của Phù Kiên để tạo ra cảm giác rằng quân Tấn đông đảo không kém gì quân Tần, lại gửi thư cho Phù Kiên để nghị lui quân Tần để Tấn sang sông, quyết chiến một trận. Quân Tần trong khi lui quân vì hỗn loạn nên đội hình tan rã, giẫm đạp lên nhau mà chết rất nhiều (Phong thanh hạc lệ, Thảo mộc giai binh: tưởng tiếng gió, tiếng hạc, cỏ cây là quân Tấn đang tiến công).
Ám độ Trần Thương
Giải nghĩa: Chọn con đường, cách thức tấn công mà không ai nghĩ tới
Điển cố: Thời Hán-Sở tranh hùng, Lưu Bang bị Hạng Vũ ép vào đóng quân trong vùng Ba Thục hẻo lánh khó ra được Trung Nguyên. Hàn Tín bèn bày kế vờ sửa đường sạn đạo nhưng lại ngầm dẫn quân đi đường núi hiểm trở để đánh úp ải Trần Thương, mở đường ra Trung Nguyên cho quân Hán. Xem chi tiết
Cách ngạn quan hỏa
Giải nghĩa: Đứng cách bờ để xem lửa cháy, để yên cho kẻ địch tự rối loạn
Điển cố: Sau Trận Quan Độ, Viên Thiệu đại bại trước Tào Tháo rồi chẳng bao lâu qua đời. Các con của Viên Thiệu là Viên Thượng, Viên Hy chạy tới nương nhờ Công Tôn Khang. Có người khuyên Tào Tháo thừa thắng tấn công để bắt nốt Viên Thượng, Viên Khang, Tào Tháo cho rằng không cần vội vì sớm muộn gì trong nội bộ địch cũng có loạn và rút quân. Quả nhiên Công Tôn Khang thấy Tào Tháo rút quân bèn chém đầu Viên Thượng, Viên Hy và xin hàng Tào Tháo. Ngày nay thường thấy là kế ‘Tự diễn biến’. Chi tiết.
Tiếu lý tàng đao
Giải nghĩa: Cười nụ giấu dao, lập mưu kín kẽ không để kẻ địch biết
Điển cố: Tể tướng của Đường Huyền Tông là Lý Lâm Phủ có bề ngoài và xử sự hết sức hòa nhã, thân thiện nhưng thực chất lại là người cực kì nham hiểm, dùng mọi thủ đoạn để triệt hạ các đối thủ chính trị khác. Hành động của Lý Lâm Phủ về sau được mô tả bằng câu thành ngữ “Miệng nam mô, bụng bồ dao găm”
Lý đại đào cương
Giải nghĩa: Mận chết thay đào, đưa người khác ra thế thân gánh vác tai họa cho mình
Điển cố: Thời Tam Quốc, Tào Tháo nghiêm cấm quân mình phá hại mùa màng dân chúng nếu không sẽ bị xử tội chém. Một lần dẫn quân qua ruộng lúa, con ngựa của Tào Tháo vì hoảng sợ mà dẫm nát một khoảnh lúa lớn. Tào Tháo hỏi quan giám sát về cách xử tội, quan giám sát nghị tội của Tào Tháo đáng chết nhưng tính mạng của thừa tướng đáng trọng hơn vì vậy chém tóc để thay thế. Từ đó quân lính của Tào Tháo sợ hãi luật lệ nghiêm minh mà tuân thủ kỉ luật.
Thuận thủ khiên dương
Giải nghĩa: Thuận tay bắt dê, phải tranh thủ nắm lấy cơ hội nằm trong tầm tay
Điển cố: Thời Tam Quốc Lưu Chương là thứ sử Ích Châu nhưng lại có tính tình nhu nhược. Gia Cát Lượng bèn khuyên Lưu Bị tận dụng mối quan hệ họ hàng xa để làm quen với Lưu Chương để rồi từ đó “thuận tay bắt dê” chiếm lấy Ích Châu làm chỗ dựa.
Công chiến kế
Đả thảo kinh xà
Giải nghĩa: Đánh cỏ động rắn, tấn công vào xung quanh kẻ địch khiến chúng hoảng sợ mà lộ diện
Điển cố: Tại thời Nam Đường, có một người tên Vương Lỗ, khi đó là huyện lệnh của huyện đồ, chức quan ông ta tuy không cao nhưng lại một tay che trời vì vua ở xa, lại có những kẻ học theo ông ta nên chúng liên hợp lại giúp nhau che dấu. Trong thời gian làm quan ông ta đã làm trăm họ lầm than, cuối cùng họ đã liên hợp lại kiện người coi giữ sổ sách. Điều này cũng đã làm cho Vương Lỗ sợ hãi vì tên giữ sổ sách mà bị toi thì ông ta cũng chết.
Vì vậy ông ta mới phê rằng: “Nhữ tuy đả thảo, ngô cũng kinh xà” nghĩa là các ngươi tuy kiện người coi giữ sổ sách rồi, ta cũng đã thấy thái độ nghiêm trọng rồi, cũng như giống khi động cỏ sẽ làm kinh động đến rắn vậy. Sau đó mọi người thấy chuyện này khá là có ý nghĩa bởi vậy mà hợp “đả thảo” và “kinh xà” thành một câu thành ngữ, dùng để ví tới việc khi phát hiện ra sự việc gì thì chớ có nên làm kinh động đến nhân vật chính.
Tá thi hoàn hồn
Giải nghĩa: Mượn xác trả hồn, mượn thân xác khác để đưa hồn về
Điển cố: Thời Tam Quốc quân Tào Ngụy nhờ tài năng chỉ huy của Chung Hội và Đặng Ngải mà chiếm gần như toàn bộ nước Thục Hán. Đại tướng nhà Thục là Khương Duy bèn giả đầu hàng với hy vọng mượn xác trả hồn, lợi dụng quân Ngụy để khôi phục đất nước. Tuy nhiên mưu kế của Khương Duy không thành, ông bị giết còn nước Thục hoàn toàn mất về tay Tào Ngụy.
Điệu hổ ly sơn
Giải nghĩa: Lừa cho hổ ra khỏi núi, khiến kẻ địch ra khỏi nơi ẩn nấp để dễ bề tấn công
Điển cố: Thời Tam Quốc Trương Phi được lệnh dẫn quân vào Ích Châu để hỗ trợ Lưu Bị. Trên đường tiến quân Trương Phi bị Nghiêm Nhan lợi dụng địa thế hiểm yếu để ngồi trong thành phòng thủ. Trương Phi bèn lập kế giả say dụ Nghiêm Nhan dẫn quân ra ngoài thành và đánh bại.
Dục cầm cố túng
Giải nghĩa: Muốn bắt thì phải thả
Điển cố: Thời Tam Quốc, Mạnh Hoạch làm phản khiến Thục Hán bất ổn. Để thu phục Mạnh Hoạch, Gia Cát Lượng đã bảy lần bắt, bảy lần thả (thất cầm thất túng, 七擒七纵) Mạnh Hoạch khiến Mạnh Hoạch đội ơn mà không dám làm phản nữa. Tào Tháo muốn dùng Quan Vũ để làm dũng tướng cho mình đã cấp cho Quan Vũ ngựa Xích Thố để Quan Vũ lên đường tìm huynh đệ Lưu Bị và Trương Phi; nhưng Quan Vũ chỉ cỡi ngựa đi một đoạn bèn quay lại trở về với Tào Tháo để nguyện ra trận chiến đấu trả ơn cho Tào Tháo. Xem thêm
Phao chuyên dẫn ngọc
Giải nghĩa: Ném gạch đưa ngọc đến, đưa miếng nhỏ ra để dụ địch nhằm đạt cái lợi lớn hơn
Điển cố: Trong chiến dịch Chi Lăng năm 1428, quân Lam Sơn đã giả thua liền 3 trận để tướng Minh là Liễu Thăng chủ quan rồi dùng phục binh giết chết ông này.
Tôn Tử viết: “Lợi nhi dụ chi, loạn nhi thủ chi”.Nghĩa là: “Địch muốn lợi, dùng mồi dụ nó. Nó loạn, đập chết nó”
Cầm tặc cầm vương
Giải nghĩa: Bắt giặc bắt vua
Điển cố: Vua Lê Hoàn chống quân Tống lần thứ nhất năm 981. Vua dùng kế giả hàng rồi cho phục binh bắt sống chủ tướng Hầu Nhân Bảo. Quân Tống mất chỉ huy tan rã nhanh chóng.
Hỗn chiến kế
Phủ để trừu tâm
Giải nghĩa: Rút củi đáy nồi, đánh tiêu hao hậu cần để làm quân địch dần phải thua
Điển cố: Trong trận Chi Lăng-Xương Giang, nghe tin có viện binh, nhiều tướng muốn đánh để hạ gấp thành Đông Quan. Tuy nhiên, theo ý kiến của Nguyễn Trãi, Lê Lợi cho rằng đánh thành lạ hạ sách vì quân trong thành đông, chưa thể lấy ngay được, nếu bị viện binh đánh kẹp vào thì nguy; do đó ông quyết định điều quân lên chặn đánh viện binh trước để nản lòng địch ở Đông Quan.
Hỗn thủy mạc ngư
Giải nghĩa: Đục nước bắt cá, lợi dụng tình thế để ra tay đạt mục đích
Điển cố: Trong Trận Phì Thủy, sau khi nhận thấy quân Tần rối loạn sau đợt tấn công phủ đầu của quân Tấn, Tạ Huyền quyết định tận dụng thời cơ tung toàn lực tấn công, kết quả là quân Tần đại bại dù đông quân gấp 10 lần quân Tấn.
Kim thiền thoát xác
Giải nghĩa: Ve sầu lột xác, sử dụng bộ dạng mới để làm quân địch bất ngờ trở tay không kịp
Điển cố: Trong chiến tranh chống Nguyên năm 1286, quân Trần trong khi triệt thoái đã cho thuyền rồng giả chèo ra biển để dụ quân giặc đuổi theo, trong khi đó vua Trần xuôi vào Nam tập hợp binh lực phản công.
Quan môn tróc tặng
Giải nghĩa: Đóng cửa bắt giặc, dồn giặc vào thế bí không thể chạy thoát
Điển cố: Thời Chiến Quốc, Tôn Tẫn và Bàng Quyên ban đầu là hai học trò cùng thầy Quỷ Cốc tử, nhưng sau đó trở thành cừu thù và là địch thủ chính của nhau trên chiến trường. Trong trận chiến quyết định, Tôn Tẫn sai quân Tề dùng kế rút bếp để lừa Bàng Quyên và quân Ngụy tiến sâu vào đường hẻm Mã Lăng. Khi toàn bộ quân Ngụy đã rơi vào bẫy phục kích, Tôn Tẫn sai bịt đường hẻm và bắn tên, quân Ngụy đại bại, Bàng Quyên cũng bỏ mạng trong đám loạn tên. Xem thêm
Viễn giao cận công
Giải nghĩa: Xa thì giao thiệp, gần thì dùng vũ lực
Điển cố: Thời Chiến Quốc, tể tướng nước Tần là Phạm Thư đề ra kế viễn giao cận công, theo đó với các nước gần, Tần sẽ dùng vũ lực uy hiếp, chiếm thành chiếm đất, với các nước xa không đem quân đi được thì lại dùng ngoại giao dụ dỗ làm đồng minh. Cứ như vậy Tần nhanh chóng trở thành bá chủ của cả 6 nước chư hầu, tạo điều kiện cho Doanh Chính thống nhất Trung Quốc sau đó. Chi tiết
Giả đạo phạt Quắc
Giải nghĩa: Mượn đường diệt Quắc, lợi dụng hòa hoãn địch để rồi quay lại tấn công bằng lợi thế do chính địch tạo ra cho mình
Điển cố: Tấn Hiến công theo lời Tuân Tức mang đồ vàng ngọc hối lộ nước Ngu với lý do mượn đường nước Ngu để đánh nước Quắc, thực chất là Tấn Hiến công sợ Ngu sẽ sai quân cứu nước Quắc. Sau khi Tấn đánh tan nước Quắc, Ngu chỉ còn trơ trọi một mình, Tấn Hiến Công bèn đem quân quay về diệt nốt nước Ngu. Xem thêm
Tịnh chiến kế
Thâu lương hoán trụ
Giải nghĩa: Trộm rường thay cột, phá hủy cơ sở của địch
Điển cố: Nhà Tây Sơn bình định xong phía Nam nhưng quân Trịnh ở Bắc sông Gianh vẫn còn mạnh. Nguyễn Huệ bèn vượt biển, đánh thẳng vào đất căn bản của họ Trịnh ở Thăng Long. Hạ xong thành Thăng Long, quân Trịnh cũng tự tan rã.
Chi tang mạ hòe
Giải nghĩa: Chỉ cây dâu để mắng cây hòe, còn có biến thể khác là chỉ chó mắng mèo, tấn công gián tiếp kẻ địch thông qua một trung gian khác
Điển cố: Thời Tam Quốc trong lúc Tào Tháo đang đem quân đi đánh Viên Thuật thì lương thảo thiếu thốn, binh lính kêu than. Thấy vậy Tào Tháo mới lập kế đổ tội cho quan coi lương Vương Hậu là lừa dối trong cấp phát lương rồi chém lấy đầu Vương Hậu. Quân Tào từ đấy sợ không dám kêu ca nữa mà hết lòng đánh Viên Thuật.
Giả si bất điên
Giải nghĩa: Giả ngu chứ không điên, làm cho quân địch coi thường mình mà không đề phòng
Điển cố: Thời nhà Tống, Nùng Trí Cao tự xưng đế ở phương Nam, hoàng đế nhà Tống phái quân đánh nhiều lần không được. Đại tướng Địch Thanh bèn bày kế giả đò sợ hãi làm quân của Nùng Trí Cao lơi là phòng bị, tức thì quân Tống tấn công đánh bại quân Nùng Trí Cao.
Thượng ốc trừu thê
Giải nghĩa: Lên nhà rút thang, còn có biến thể khác là qua cầu rút ván (tức Qúa giang trừu bản)
Điển cố: Nguyễn Hoàng xin Trịnh Kiểm cho mình vào trấn thủ Thuận Hóa để chống quân Chiêm Thành và nằm tránh bị Kiểm mưu hại. Sau Nguyễn Hoàng khai khẩn đất trong Nam, các con cháu ông lập thành nước riêng, không thần phục họ Trịnh nữa.
Thụ thượng khai hoa
Giải nghĩa: Trên cây hoa nở
Điển cố: Khi Tôn Tẫn tới nước Yên làm Quân Sư, để đối phó với sự tấn công của Bàng Quyên, Tôn Tẫn đã bày mưu cho thái tử nước Yên Kế này. Với số quân ít ỏi khi ra đối phó với Bàng Quyên Thái tử đã cho binh sĩ chặt những cành cây kéo lê trên đường hành quân làm bụi tung mù mịt khiến mật thám của Bàng Quyên nghĩ rằng quân đội nước Yên đông gấp 10 lần do thám ban đầu. Bởi vậy Bàng Quyên đã rút quân.
Phản khách vi chủ
Giải nghĩa: Từ chỗ là khách biến thành vai chủ, lấn dần dần đất của địch để đến chỗ địch không còn chỗ đứng
Điển cố: Trong chiến dịch chiếm Hán Trung của Lưu Bị, Pháp Chính đã quân sư cho Hoàng Trung dùng kế phản khách vi chủ để cuối cùng chém chết được đại tướng của Tào Ngụy là Hạ Hầu Uyên.
Bại chiến kế
Mỹ nhân kế
Giải nghĩa: Dùng gái đẹp để làm rối loạn quân địch
Điển cố: Thời Xuân Thu, Câu Tiễn nước Việt bị Ngô vương Phù Sai đánh cho suýt mất nước. Phạm Lãi và Văn Chùng bèn hiến kế cho Câu Tiễn dâng mỹ nhân nổi tiếng của nước Việt là Tây Thi cho Phù Sai khiến Ngô vương vì đam mê tửu sắc mà bỏ bê việc chính sự, tạo thời cơ cho Câu Tiễn trả thù.
Không thành kế
Giải nghĩa: Trong hoàn cảnh thành không có quân lại bị quân địch uy hiếp thì phải dùng những hành động kì lạ, trầm tĩnh khiến quân địch khiếp sợ tưởng có mai phục mà bỏ đi
Điển cố: Kế này gắn liền với điển cố về Gia Cát Lượng trong Tam quốc diễn nghĩa. Theo đó trong lúc Gia Cát Lượng đang giữ ngôi thành trống không có phòng thủ thì Tư Mã Ý bất chợt kéo quân đến. Đánh vào tính đa nghi của Tư Mã Ý, Gia Cát Lượng đã sai mở toang cổng thành, trên tường thành chỉ cắm tinh kỳ, lại sai người quyét dọn trước cổng làm như không có sự đe dọa của quân Ngụy. Cuối cùng Tư Mã Ý vì nghi ngờ mưu kế của Gia Cát Lượng nên đã rút quân, bỏ lỡ cơ hội ngàn năm có một để bắt sống địch thủ chính trên chiến trường. Chi tiết
Phản gián kế
Giải nghĩa: Lợi dụng kế của địch để biến thành kế của mình
Điển cố: Thời Tam Quốc, Tào Tháo phái Tưởng Cán, bạn học cũ của Chu Du sang Đông Ngô để dò xét lực lượng đối phương. Chu Du đoán được mưu của Tào Tháo nên đã sử dụng chính Tưởng Cán để làm Tào Tháo nghi ngờ hai hàng tướng cực kì thông thạo thủy binh của Kinh Châu để rồi giết hai người đó.
Khổ nhục kế
Giải nghĩa: Tự làm mình khổ nhục để đánh lừa quân địch
Điển cố: Câu Tiễn sau khi thất bại trước Phù Sai thì hết lòng tận tụy phục vụ Phù Sai như người hầu, thậm chí nếm cả chất thải của Phù Sai để giúp thầy thuốc khám bệnh cho Phù Sai, tất cả chỉ để che giấu sự chuẩn bị trả thù của nước Việt.
Liên hoàn kế
Giải nghĩa: Sử dụng nhiều kế liên tiếp, muốn chiến thắng phải biết móc nối nhiều kế với nhau
Điển cố: Liên hoàn kế gắn liền với giai thoại về Vương Doãn do La Quán Trung kể lại trong Tam quốc diễn nghĩa. Vì thấy Đổng Trác quá bạo ngược hung tàn nên Vương Doãn sử dụng liên hoàn kế trong đó có mỹ nhân kế gửi Điêu Thuyền vào chia rẽ hai bố con nuôi Đổng Trác và Lã Bố, sau đó dùng kế đục nước bắt cá khơi gợi ở Lã Bố sự thù địch với cha nuôi để rồi cuối cùng chính Lã Bố cầm kích đâm chết Đổng Trác. Xem thêm: Ba kế liên hoàn
Tẩu vi kế
Giải nghĩa: Thấy tiến được thì tiến, thấy khó thì nên lui”. Gặp kẻ địch mạnh thì kế chuồn là thích hợp hơn cả trong 36 kế.
Điển cố: Trong kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ I, nhận thấy không thể đối đầu với giặc quá mạnh, quá tinh nhuệ với số lượng đông đảo, nhuệ khí áp đảo vì đã đánh chiếm gần như toàn bộ lục địa Âu Á, vua quan nhà Trần đã quyết định lui bằng chiến dịch Vườn Không Nhà Trống mang đi hết của cải lương thực.
Chính vì lui mà địch tự nhiên thiếu quân lương. Chiến lược đánh tới đâu cướp lương tới đó của quân Nguyên Mông thất bại dẫn tới phải rút quân rất nhanh trong chưa đầy có 10 ngày. Sau đó, quân dân nhà Trần truy sát tống tiễn toàn bộ giặc ra khỏi lãnh thổ.
Lui không chỉ để tránh thương vong và tìm cách đánh khác mà chưa nhìn thấy khía cạnh của việc ta lui lại có thể tạo ra thế mạnh của ta và thế yếu của địch. Ngoài ra, cũng chưa phân tích thêm về khía cạnh cái Thấy trong Tẩu Vi.
Trong bức thư của Gia Cát Lượng gửi Tào Chân, mắng cho họ Tào hộc máu mà chết có mấy câu về cái Thấy này:
“Biết thiên văn khi mưa khi nắng
Thuộc địa lý chỗ hiểm chỗ thường
Thế trận khó dễ cần phải hiểu
Tài giặc hay dở cần phải tường”
Trong đó có 4 từ thật là quan trọng: Biết – Thuộc – Hiểu – Tường, 4 giai đoạn của cái Thấy. Người trong Binh Gia Môn, học nội công nào, chiêu thức nào, đều sẽ phải trải qua bốn giai đoạn này của cái Thấy. Tất nhiên đỉnh cao nhất thì như là Lão Tử nói: “Tự Tri Giả Minh” (Tự thấy thì sáng) nhưng không có mấy người có ngộ tính cao để mà tự thấy.
Cái Thấy này nó bao trùm cả cái Tri Bỉ là biết người mà tổ sư Tôn Tử đã dạy, ngoài biết tài giặc hay dở, còn phải biết cả Thiên Thời, Địa Lợi, Nhân Hòa. Khi ấy thì ngay cả khi rút lui, cũng rút một cách khôn ngoan không tổn thất, tạo ra thế yếu cho địch chờ đợi dịp phản công.