Cố Thiểu Liên bất giác thấy lửa giận như cháy trong lòng, bèn vẽ một bức tranh, lúc vào chầu, dâng lên nhà vua thay cho một bản sớ tấu…
– Thời Đường Đức Tông (năm 780- 805) có một gian thần tên là Bùi Diễn Linh, có tài nịnh hót và bợ đỡ, nên được nhà vua sủng ái, thậm chí cho nắm cả quyền binh, thế lực nghiêng cả triều đình.
Ngoài một mình hoàng đế Đức tông ra, hắn chẳng coi ai ra gì hết. Các quan văn, võ trong triều đều sợ không dám chạm đến hắn để khỏi mang vạ. Duy có một mình hàn lâm học sĩ Cố Thiểu Liên, sinh ra vốn là người ngang ngạnh, lại có đầu óc thông minh, định bụng quyết dùng mưu kế để lật đổ tên gian thần này.
– Một hôm, Đường Đức Tông mở tiệc lớn đãi văn võ bá quan. Trong bữa tiệc, theo thường lệ, với tư thế ”ở dưới một người và trên cả vạn người”, Bùi Diên Linh ba hoa bình phẩm thời thế, cứ làm như không có ai ở bên mình nữa. Quần thần chỉ biết rụt cổ cúi đầu uống rượu, cũng chẳng có ai dám tranh cãi hay góp chuyện với hắn.
Rượu được vài tuần, Cố Thiểu Liên mặt đỏ như gấc, làm ra bộ say la đà miệng hát, chân múa. Bùi Diên Linh thấy vậy, chê cười nói:
– Nghe nói cố học sĩ xưa nay có tửu lượng khá lắm kia mà. Thế mà hôm nay mới có mấy chén, đã say đến mức độ này ư. Xem ra nổi tiếng chưa hẳn đã phù hợp với thực tài nhỉ?
Cố Thiểu Liên không bắt lời, vẫn tiếp tục ngả nghiêng hát, múa sắp đi đến chỗ ngồi của Bùi, bỗng nhiên rút cây hốt từ trong bọc ra, đập đập vào đầu Bùi Diên Linh, lớn tiếng cười và mắng:
Đọc thêm: Bùi Quân xử án bắt trộm chó
– Ha ha! Đoạn Tú Thực đã cướp triều hốt để đánh gian thần Chu Tỉ, còn ta thì lấy triều hất để đánh ngươi là tên gian thần Bùi Diên Linh. Ha ha! ha ha!
Bùi Diên Linh vô cùng xấu hổ, nhưng chưa biết làm gì. Hắn đành nén giận vào lòng, đưa tay lên gãi đầu, vừa cười vừa chống chế:
– Hề! Hề! Cố học sĩ rượu say sinh ra nói nhảm rồi!
Thấy tình hình đó, Đường Đức Tông cười ngả cười nghiêng, truyền quân hầu dìu Cố Thiểu Liên về nhà nghi ngơi.
– Thế nhưng, Bùi Diên Linh bị bêu riếu như thế mà còn chưa biết nhục, vẫn chứng nào giữ nguyên tật ấy, ngày một nghênh ngang càn rỡ. Cố Thiểu Liên bất giác thấy lửa giận như cháy trong lòng, bèn vẽ một bức tranh, lúc vào chầu, dâng lên nhà vua thay cho một bản sớ tấu.
Nhà vua mở “sớ tấu” ra xem, thấy trên đó chẳng có chữ nghĩa gì, mà chỉ thấy trên đó vẽ một con đại bàng, đầu ngửa lên, giơ vuốt sắc, cong đuôi, diễu võ dương oai đứng ở giữa xung quanh là cả một bầy chim, con thì xo vai rụt cổ, con thì sợ rúm lại với nhau, có con thì vươn cổ về phía con đại bàng réo ầm ĩ…
– Đường Đức tông, liếc mắt nhìn xuống đám quần thần đứng hầu thành hàng dưới hệ rồng, thấy Bùi Diên Linh ngửa mặt ưỡn ngực, dương dương tự đắc đứng đó. Cố Thiểu Liên đứng thẳng người ở đấy liếc nhìn vào mặt hắn. Còn các quan, người thì rụt cổ, kẻ thì cúi đầu, nhiều lắm thì cũng đưa ánh mắt giận dữ nhìn phía sau của Bùi Diên Linh… Nhà vua khẽ “à” lên một tiếng, chợt hiểu: Mọi người đều căm ghét Bùi Diên Linh! Thế mới biết là sự căm giận của mọi người là điều không thể xúc phạm, từ đó thôi không trọng dụng hắn nữa.
Diễu võ dương oai: Phô trương thanh thế, uy lực để khoe khoang, đe dọa kẻ khác.