Địch Nhân Kiệt phá vụ án vàng

Huyện lệnh của huyện Bồng Lai Vương Lập Đức bị ngộ độc chết, bộ hình cử Uông Đường Quan đến để tra xét. Nhưng Uông Đường Quan chưa tra xét cho rõ ràng đã về kinh báo cáo.

– Trước khi ông ta về kinh, thì Vương Nguyên Đức vốn là em ruột của Vương huyện lệnh, đang làm lang trung của bộ hộ trong kinh đô tự nhiên mất tích, nghe nói còn cuỗm đi một số lượng lớn vàng bạc trong kho. Không lâu sau, trong hàng ngũ quan lại ở kinh đô có tin đồn rằng anh em Vương huyện lệnh đã câu kết với nhau làm nên chuyện xấu xa, sợ bị lộ chân tướng, nên một người tự tử, một người bỏ trốn.

Lúc bấy giờ Địch Nhân Kiệt đang giữ chức đại lý tự thừa, muốn xác minh cái chết của Vương huyện lệnh, nên đã chủ động xin đến làm huyện lệnh của huyện Bồng Lai.

Đường Trinh Tường là người nắm sổ sách báo cáo với Địch Nhân Kiệt vừa nhậm chức rằng huyện lệnh Vương Lập Đức trước đây vốn là  người nghiện trà nặng, và chính sau một lần uống trà, ông đã trúng độc chết. Thời gian vào giữa lúc đêm khuya, nhưng cũng không hề thấy ai tự ý vào trong nha thự, hơn nữa, qua kiểm tra, trong trà và chén uống trà đều không có chất độc, có lẽ thủ phạm chỉ có thể hạ độc vào trong ấm trà. Địch Nhân Kiệt nhủ thầm: ”Đây là vụ án xảy ra trong phòng kín rất điển hình”. Ông quyết định ở lại căn phòng trong nha thự nơi Vương huyện lệnh đã chết để xác minh xem trong căn phòng kín này rốt cuộc có gì lạ không?

Đường Trinh Tường vội vàng ngăn lại:

– Ấy chớ! Sau khi Vương huyện lệnh chết, thường có người nhìn thấy hồn ma của Vương huyện lệnh hiện về. Chính cái ông Uông Đường Quan của bộ hình vì sợ quá mà bỏ về đấy.

– Ta không sợ – Địch Nhân Kiệt bảo đưa hành lý của mình lên căn phòng đó và yêu cầu để yên tất cả mọi thứ bày biện bao gồm cả bộ đồ trà của Vương huyện lệnh dùng khi trước. Ông quan sát rất kỹ toàn bộ căn phòng. Tất cả mọi thứ ở đây đều đã cũ và nhiều năm chưa được tu sủa, riêng chỉ có cây xà ngang hình như mới được sơn lại, xem ra, nếu như không được sơn lại, nó đã bị mọt đục ruỗng ra rồi. Sắp đặt mọi thứ xong xuôi, ông liền mang theo mấy người tuỳ tùng, ra phố để thăm hỏi dân tình.

Đến khi ông đi ra phố về, ngồi ăn cơm tối xong ở nhà ngoài, Địch Nhân Kiệt cho những người cùng đi ai về chỗ ấy nghỉ ngơi, còn một mình quay vào nhà trong. Lúc này, trời đã tối hẳn. Ông bước vào, trong ảnh nến nhạt nhoà, thấy có một người đang ngồi bên bàn, rót trà nhấm nháp. Người này tuổi ngoài năm mươi, tóc đã bạc trắng, má bên trái có một vết bã trầu to bằng đồng xu, dáng người đó thật không sai chút nào với dáng người của Vương huyện lệnh theo mô tả của chủ bạ Đường Trinh Tường.

Giữa lúc Địch Nhân Kiệt đang đắn đo suy nghĩ, người kia bỗng đứng dậy như có ý định bước đi.

Địch Nhân Kiệt vội gọi giật lại:

– Tiên sinh có phải lang trung bộ hộ Vương Nguyên Đức đó không?

Người kia hỏi lại:

– Làm sao mà biết được?

Địch Nhân Kiệt nói:

– Thứ nhất, tôi không tin chuyện ma quỷ; thứ hai, người đóng giả Vương huyện lệnh giống nhất không ai hơn người em ruột của ông; Thứ ba, người quan tâm đến vụ án của Vương huyện lệnh nhất, cũng chỉ có người thân của ông ta. Theo tôi được biết, Vương huyện lệnh chỉ có người thân duy nhất là em trai ông. Căn cứ vào ba điểm ấy, tôi chắc chắn tin rằng ngài là lang trung Vương Nguyên Đức chứ không ai khác.

Also Read: Địch Nhân Kiệt phá án giết chồng

Địch Nhân Kiệt vốn đoán việc như thần. Người này đúng là em trai của Vương huyện lệnh, lang trung bộ hộ Vương Nguyên Đức. Ông này nói:

– Tôi nghĩ rằng Uông Đường Quan của bộ hình đến đây chẳng qua chỉ là phô diễn tắc trách qua loa, để tránh ông ta gây chuyện rắc rối, nên giả làm hồn ma của anh tôi, doạ cho ông ta đi khỏi đây. Cũng để khỏi bị quấy rầy, hàng ngày tôi mới “hiện về” đây, để lặng lẽ quan sát những gì bí mật trong căn phòng này, làm rõ ra xem anh tôi bị hãm hại mà chết như thế nào.

Hai người đang trò chuyện, một cơn gió lạnh thổi tới khiến cho cánh cửa sổ cũ nát kêu lên cọt kẹt, họ bèn tới đẩy hẳn cửa ra, nhìn ra mảnh sân sau tồi tàn. Ở đấy cũng chẳng có gì lạ, bên ngoài tường vây của sân sau là một con ngòi rất sâu, muốn từ đó vượt trộm vào nhà là hoàn toàn không thể được. Hai người ngó trước ngó sau một lúc rồi đóng cửa sổ lại, trở lại cùng ngồi xoong trước bàn trà, bàn bạc công việc Vương Nguyên Đức cầm lấy chén trà, vừa nâng lên, liền bị Địch Nhân Kiệt đưa tay ra chặn lại:

– Hãy khoan đã! Trong chén trà có độc:

Vương Nguyên Đức nhìn kỹ nước trà trong chén, quả nhiên có một lớp vẩn đục nổi lên trên mặt, nghĩ bụng: tên hung thủ nào đây thật tàn nhẫn, giết hại anh ta rồi, còn định giết cả ta, rồi bất giác lẩm lẩm một mình: ”Chẳng lẽ mới thoáng một cái, đã có người vào nhà?”.

– Người thì chưa ai vào, nhưng gió vào thì có đấy – Địch Nhân Kiệt xem kỹ lại chén trà nói tiếp – Chính là gió đã thổi làm bụi ê trên xà nhà rơi vào chén nước trà.

– Hoá ra là một trận lo sợ hão! – Vương Nguyên Đức cảm thấy mình hơi quá nghi ngờ vào ma quỷ, thế nhưng Địch Nhân Kiệt lại từ trong đó cảm nhận ra vấn đề, ông đứng hắn lên bàn để nhìn kỹ cái xà nhà. Xà mới sơn nên là không đọng bụi, nhưng nhìn kỹ hơn, thấy xà có một chỗ không sơn tới mà trong đó lại có một cái lỗ nhỏ, ông quệt tay vào đó có một chất nhờn nhờn dính. Khi nhận ra đó là đó sáp ong, ông vui mừng nói:

– Điều bí mật gây ra cái chết của Vương huyện lệnh đã được ta tìm thấy đây rồi.

Địch Nhân Kiệt bảo với Vương Nguyên Đức rằng, có người đã nhân dịp sơn lại xà nhà, khoét một lỗ nhỏ trên xà rồi nhét thạch tín vào đó, lấy sáp bịt lại, mỗi khi Vương huyện lệnh uống trà, hơi nóng bốc lên, làm cho sáp chảy dần ra, thạch tín sẽ rơi vào trong ấm trà, sau khi uống phải trà này. Vương huyện lệnh sẽ ngộ độc mà chết.

Ngày hôm sau, qua Đường Trinh Tường, Địch Nhân Kiệt biết được tên họ của người thợ sơn, nên lập tức sai người bắt gã giải lên huyện. Trước sự thực sờ sờ trước mắt, gã thợ sơn chỉ còn biết cung khai ra mọi sự thực tội lỗi. Địch Nhân Kiệt nghĩ: ”Gã thợ sơn kia không thù không oán gì Vương huyện lệnh, tại sao hắn lại đầu độc ông, phía sau hẳn có người sai khiến”. Thế nhưng do canh giữ không cẩn mật, gã thợ sơn đã thắt cổ tự tử ở trong ngục, thế là đầu mối vừa ló ra lại bị đứt.

Ngay tối hôm ấy, Địch Nhân Kiệt đã hỏi Vương Nguyên Đức:

– Khi lang trung nhặt nhạnh lại những di vật của anh mình, có phát hiện thấy gì không?

Vương Nguyên Đức nói:

– Uông Đường Quan của bộ hình đến huyện Bồng Lai trước tôi. Sổ sách giấy tờ của anh tôi đều bị niêm phong gửi về kinh đô, chỉ để lại mấy bộ quần áo thường ngày, nay tôi đang mặc trên người đây.

Chiếc áo dài Vương Nguyên Đức mặc trên mình lúc này đã rất cũ, mà ở vạt áo lại có một miếng vá rất nổi bật.

Địch Nhân Kiệt nghĩ, thường thường thì áo hay rách ở ngực ở lưng, ở cổ tay, thế miếng vá này lại ở chỗ không hay bị rách là phía dưới vạt thật là lạ! Ông bèn nâng vạt áo; áo lên suy xét thật kỹ. Miếng vá ấy chẳng những đã vá không đúng chỗ, mà lại vá rất vụng về, chỉ khẽ kéo, nó đã rời ra. Ở phía sau miếng mụn vá có vẽ một cây gậy dài, nhìn kỹ có vẻ giống như một cây thiền trượng. ”Cây gậy này nhất định phải có chuyện gì đây!”. Địch Nhân Kiệt nói:

– Vương huyện lệnh khi còn đang nhậm chức hẳn là cảm nhận thấy có vấn đề nên để lại manh mối cho người nào kế nhiệm sau này. Thế nhưng cây gậy dài này liệu sẽ nói lên được cái gì? Địch Nhân Kiệt đã để cho Vương Nguyên Đức lẩn về kinh đô, tìm hỏi những sổ sách giấy tờ của Vương huyện lệnh bị niêm phong đem về kinh, còn mình thì ở lại Bồng lai tiếp tục phá án.

Nếu Vương huyện lệnh đã nêu ra cho biết đầu mối là một cây thiền trượng, thì có lẽ phải đến chùa chiền mà dò hỏi. Ngôi chua lớn nhất ở Bồng Lai là chùa Bạch Vân ở phía đông thành. Hôm ấy phương trượng Tuệ Bản thấy huyện lệnh mới về nhậm chức giá lâm nên hết sức ân cần tiếp đãi. Tuệ Bản tuổi đã ngoại sáu mươi, nhưng lại rất hay nói chuyện. Ông nói với Địch Nhân Kiệt:

Đức Phật từ bi, phù hộ một phương, đã nhiều lần hiển linh. Chùa Đại Tướng quốc là miếu chính trong kinh thành cũng muốn mời đi để cúng phụng, thế nên chùa này cũng ngày đêm thi công, để nặn một vị Phật mới – Vừa nói, vừa đưa tay chỉ sang gian điện thờ bên canh, ở đấy có một số thợ đang nặn một pho tượng mới, phôi tượng đã xong, chỉ còn đợi sơn son thiếp vàng trang trí nữa thôi.

Tuệ Bản lại nói:

– Chờ đến ngày chở tượng mới về, phải mời Định công chủ trì buổi lễ mới được. Địch Nhân Kiệt chào phương trượng ra về, Tuệ Bản đứng lên:

Sư già này chân tay không còn khoẻ nữa, ông hãy thông cảm không ra tiễn được.

Do quá vội vàng, bỗng nhiên vị sư liêu xiêu người đi, lảo đảo chực ngã, Tuệ Bản đưa tay rút ra từ bên cạnh mình một cây thiền trượng để chống đỡ.

Trong óc Địch Nhân Kiệt bỗng loé lên một câu hỏi Thiền trượng? Chẳng hoá ra Tuệ bản lại có liên quan đến cái chết của Vương huyện lệnh sao?

Địch Nhân Kiệt trở về huyện nha, lúc ấy, có một người tuỳ tùng đến bẩm báo:

– Bờ sông bến đò ở Bồng Lai buôn lậu vàng rất dữ dội.- Vừa nói, người tuỳ tùng vừa dâng lên một thoi vàng tiếp tục bẩm báo. – Đây là thoi vàng tôi nhặt được ở bến đò, chắc hẳn bọn buôn lậu luống cuống đánh rơi.

Địch Nhân Kiệt cầm thoi vàng trên tay ngắm nghía rất kỹ: hình dạng nó giống một khối hình trụ và nhỏ nhắn, nó cũng giống như những thoi vàng, lá vàng nói chung. Lúc ấy ông mới nhìn nhận được vấn đề và “ồ” lên một tiếng.

Cách mấy hôm sau Pháp sư Tuệ Bản ở chùa Bạch Vân gửi thiếp đến nói rằng tượng Phật mới đã nặn xong, đang chuẩn bị chở về thành, mời huyện lệnh đến kiểm tra và đưa đi.

Đúng hẹn, Địch Nhân Kiệt đến bến đò Bồng Lai, ở đó đã có rất, nhiều thiện nam tín nữ tụ tập từ trước, pho tượng mới được đặt lên kiệu tám người khiêng chuyển từ chùa Bạch Vân tới chỗ đài thờ mới đắp tạm. Pháp sư Tuệ Bản nắm thiền trượng trong tay, vẻ mặt nghiêm trang đi theo bên cạnh, chỉ còn chờ Địch Nhân Kiệt đến làm lễ nữa là đưa xuống thuyền chở đi.

Địch Nhân Kiệt đến trước pho tượng ngắm nghía rất kỹ, rồi đột nhiên ông quay lại, nói với dân chúng đứng quanh đó:

– Bức tượng này ai nặn mà vụng về thế, đưa lên kinh đô; chỉ tổ mang tiếng xấu cho Bồng Lai chúng ta.

Dân chúng ngớ người ra. Ngay sau đó Địch Nhân Kiệt đã rút thanh bên kiếm bên mình ra, chém liền mấy nhát vào pho tượng, trên mình pho tượng chợt hiện ra từng vết hằn của lưỡi dao, nhưng không hề thấy đất sét vỡ ra, mà lại hiện ra ánh vàng ngời ngợi. Mọi người đều nhìn thấy rất rõ, thì ra pho tượng này không phải nặn bằng đất, mà là đúc bằng vàng!

Địch Nhân Kiệt lại giật lấy cây thiền trượng trong tay Tuệ Bản, tháo phần đầu của nó ra, để lộ ra phần dưới là một cây gậy rỗng. Ông quát lên hỏi Tuệ Bản:

– Nhà người còn gì muốn nói nữa không? – Lập tức ra lệnh bắt và đưa Tuệ Bản về huyện nha. Với sự xét hỏi nghiêm khắc của Địch Nhân Kiệt. Tuệ Bản buộc phải khai ra hành động buôn lậu vàng của mình.

Vàng được chở từ nước ngoài vào, ở trên thuyền chúng được đánh thành từng cây nhỏ, khi các nhà sư trong chùa ra bến đò đong gạo mua rau, bỏ những sợi dây vàng đó vào trong cây thiền trượng rỗng ruột, đem về chùa tích góp lại, sau đó lấy những cây vàng ấy đúc thành tượng, rồi chở lên kinh đô kiếm lời lớn. Việc này đã bị Vương huyện lệnh phát hiện ra, cho nên Tuệ Bản đã sai thợ sơn đầu độc ông. Còn người tiếp ứng cho chúng ở trên kinh đô chính là Uông Đường Quan, người được cử đến điều tra về cái chết của Vương huyện lệnh.

5/5 - (5 bình chọn)
Bài viết này hữu ích không?
YesNo
muuluoc

Xin chào! Cám ơn bạn đã ghé thăm website. Theo dõi chúng tôi trên Pinterest, Twitter, Linkedin, Facebook, Google News. Trong quá trình biên tập và sưu tầm không tránh khỏi những điều sai xót, mong bạn đọc thông cảm...

Viết một bình luận