Kế bia giả của Chu Phụ Tá

Chu phụ tá trầm tư giây lát rồi bày kế: Có thể bí mật sai người chôn một tấm bia của tổ tiên xuống dưới ngôi mộ đó để làm bằng chứng…

Có một vùng đất phong thuỷ rất tốt nằm ở ven sông kề ngọn núi. Nơi đây là mộ tổ của nhà họ Lý. Lý gia tuy thanh bần nhưng con cháu rất có tài, ai nấy đều trúng cử làm vinh quang tổ tiên.

Nghe nói đó là do mộ tổ phong thuỷ tốt mà được hưởng lộc. Ông hàng xóm Trương viên ngoại, tuy giàu có nhưng con cháu lại vô học. Thấy gia nghiệp không ai có thể kế tục, Trương viên ngoại không khỏi sốt ruột. Ông ta không trách mình không biết giáo dục con cái mà lại oán tổ tiên không phù hộ.

Thế là ông ta muốn cướp đoạt mảnh đất phong thuỷ của nhà họ Lý, nói mảnh đất này vốn là mộ tổ của nhà họ Trương, sau này bị nhà họ Lý đoạt mất. Hai gia đình vì tranh chấp ngôi mộ tổ này đã kiện lên quan.

Vì muốn thắng vụ kiện này, Trương viên ngoại liền chuẩn bị rất nhiều vàng để mua chuộc người phụ tá cho nha môn người Thiệu Hưng. Thời Minh, Thanh, rất nhiều phụ tá cho các nha môn phủ, huyện đều là người Thiệu Hưng, bọn họ bày mưu tính kế cho các quan chủ sự, đàn áp nhân dân, giúp địa chủ phú hộ xưng bá địa phương, cho nên cái tên ”Phụ tá Thiệu Hưng” dường như là đại từ thay thế cho những thầy kiện xấu xa mặc dầu trong đó cũng có không ít người chính trực.

Người mà Trương viên ngoại mua chuộc là Chu phụ tá chính là một người như thế. Hắn quá rõ hành vi cậy thế nạt người của Trương viên ngoại nhưng vẫn giả bộ đồng ý giúp Chu phụ tá nói với Trương viên ngoại:

– Muốn thắng vụ kiện này phải có chứng cứ xác thực. Trương viên ngoại nói:

– Tôi vì việc này mới muốn thỉnh giáo ngài, không biết ngài có cao kiến gì?

Chu phụ tá trầm tư giây lát rồi bày kế:

– Có thể bí mật sai người chôn một tấm bia của tổ tiên xuống dưới ngôi mộ đó để làm bằng chứng.

Trương Viên ngoại cả mừng, tán tụng:

– Kế này cực tuyệt, không biết bia mộ nên lập vào niên đại nào?

Chu phụ tá suy nghĩ một lát rồi nói:

Đọc thêm: Em thiếu niên trừng trị lão thầy cúng lúc nửa đêm

– Niên đại mà xa quá thì không hay, gần quá cũng không được, theo tôi, chọn một năm không gần cũng không xa.

Trương viên ngoại nghĩ ngợi rồi nói:

– Năm Giáp Tý là không gần không xa mà cũng là năm đẹp không biết ý ngài thế nào?

Chu phụ tá nghe đến năm Giáp Tý thấy quá đúng ý mình liền nói:

– Tại hạ không dám lập bia cho tôn tổ, cứ theo ý viên ngoại mà làm.

Trương viên ngoại y kế cho làm một tấm bia đá, lợi dụng đêm tối sai người đem đến chôn xuống dưới mộ.

Mấy hôm sau, quan huyện lệnh tập trung người nhà hai bên tại chỗ ngôi mộ để quan sát. Bọn nha dịch sau khi đào mộ lên đã tìm thấy một tấm bia đá, trên viết “Trương Công Mỗ chi mộ”, bên dưới ghi thêm ”Đại Minh Vạn lịch Giáp Tý niên lập”. Trương viên ngoại dương dương tự đắc, nói chắc chắn:

– Bằng chứng rõ ràng, mảnh đất phong thuỷ này là của nhà tôi.

Người nhà họ Lý thấy việc này kỳ quặc nhưng nhất thời không thể nói được gì. Quan huyện thấy có sự thị phi liền dẫn tất cả về nha môn xét hỏi. Quan vừa vào đến nha môn, tiểu đồng liền chuyển đến một tờ thư của Chu phụ tá, mở ra xem chỉ thấy viết mấy chữ: “Thời hoàng đế Vạn Lịch không có năm giáp Tý”. Quan huyện vội giở lịch ra xem thì thấy viết:

Hoàng đế Vạn Lịch – lên ngôi năm Quí Dậu, tại vị bốn tám năm”, thời gian này quả nhiên không có năm Giáp Tý. Ông lập tức hiểu rõ, tấm bia mộ kia hoá ra là giả. Quan huyện tức giận, khi khai đường thẩm vấn liền mắng Trương viên ngoại:

– Ngươi là một thân sĩ vùng này, tại sao lại giả mạo, lừa gạt bản huyện?

Trương viên ngoại bị hỏi vẫn bình tĩnh biện bạch, quan huyện ném quyển lịch ra trước mặt ông ta, quát:

– Thời Hoàng đế Vạn Lịch làm gì có năm Giáp Tý, ngươi tưởng ta là đứa trẻ lên ba hả?

Vụ kiện này, Trương viên ngoại thua bẽ mặt nhưng ông ta không hề ngờ mình đã mắc lừa Chu phụ tá.

5/5 - (5 bình chọn)
muuluoc

Xin chào! Cám ơn bạn đã ghé thăm website. Theo dõi chúng tôi trên Pinterest, Twitter, Linkedin, Facebook, Google News. Trong quá trình biên tập và sưu tầm không tránh khỏi những điều sai xót, mong bạn đọc thông cảm...

Viết một bình luận