Đại học giả đời Thanh, Kỷ Vân ( 1724- 1805), tự là Hiểu Lam. Khi còn nhỏ không những trí tuệ hơn người mà còn giàu lòng thông cảm, hễ gặp chuyện bất bình là lại nghĩ mọi cách để nhanh chóng giúp người thoát nạn.
Một hôm cậu đi qua bãi tha ma bỗng nhìn thấy một thiếu phụ mặc đồ tang màu trắng quỳ trước một nấm mộ mới khóc lóc thảm thiết, tiếng khóc vừa bi thảm vừa thê lương rất làm người khác động lòng. Kỷ Vân không cầm lòng được tiến đến thăm hỏi.
– Cô à, làm sao mà cô khóc nức nở thế?
Người thiếu phụ nhìn Kỷ Vân, biết cậu là thần đồng ở vùng này, liền kể lể:
– Chồng cô vừa mới chết, để lại hai đứa con nhỏ với mẹ già ngoài bảy mươi tuổi của chú ấy. Cháu bảo một quả phụ như cô làm sao mà nuôi sống được cả gia đình?
Nói đoạn, nước mắt lại lã chã rơi. Kỷ Vân an ủi:
– Đừng khóc nữa, cô đừng khóc nữa, cô đến nhà cháu, cháu viết cho cô lá đơn kiện, cô đem đến chỗ quan huyện mà khiếu nại.
Thiếu phụ quệt nước mắt, nói:
– Không được, không được. Kiện ai? Kiện ai hở cháu?
– Cô đừng, cháu sẽ có cách.
Kỷ Vân nói đoạn dắt chị ta về nhà, loáng cái đã viết xong lá đơn.
Quan huyện ngồi trên công đường nhận tờ đơn kiện của người thiếu phụ mặc bộ đồ đại tang, chỉ thấy bên trên viết: “Kiện rằng chồng chết sớm quá, để lại mẹ già, con nhỏ. Dân phụ cúi hỏi quan phụ mẫu, nên thủ tiết hay nên đi bước nữa?”
Đọc thêm: Kỷ Vân trừng phạt đạo sỹ dê
– Quan huyện xem mãi xem mãi, mày cau lại, vân vê bộ râu: Ông ta đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: Nói là đi bước nữa à, chồng chết phải thủ tiết, người ta mồ còn chưa xanh cỏ đã đi lấy chồng, chẳng lẽ không phạm vào tam cương ngũ thường hay sao, rồi bại hoại cả lễ giáo. Nếu mà việc đồn rộng ra thì cái mũ cánh chuồn trên đầu ta chắc cũng khó mà giữ được.
Không được, không được! Nhưng nếu bảo thủ tiết, hừ, chẳng phải lại rõ ràng đòi tiền quan phụ mẫu ta hay sao? Tiền à, tiền! Ta đem tiền cho một dân phụ nghèo một cách không rõ ràng, tuy là tiền công nhưng cũng như là máu thịt của ta. Không được, không được?
Quan huyện cứ đắn đo suy nghĩ hồi lâu mà vẫn không tìm ra được một đáp án phù hợp. Cuối cùng, trong đầu ông bỗng loé lên một tia sáng: à, mình đã sắp mãn nhiệm rồi, có được thăng chức hay không, tất cả phải dựa vào dư luận xã hội và sự khảo sát của cấp trên. Tại sao không nhân cơ hội này bỏ ra ít tiền giúp cho người trinh phụ liệt nữ, cũng coi như là ta có phương pháp giáo hoá, ta đã mua được tiếng tăm quan nhân đức rồi còn gì. Thật đúng là thả con săn sắt bắt con cá rô.
– Thiên hạ lấy chữ hiếu làm trọng, ngươi nên thủ tiết đi.
Quan huyện nói xong liền sai nha dịch lấy đưa cho chị ta mười lạng bạc ròng.
Có người thấy Kỷ Vân thật giỏi liền hỏi em:
– Làm sao cháu chỉ viết có tờ đơn kiện mà giúp người quả phụ kiếm được mười lạng bạc ròng thế?
Kỷ Vân cười:
– Quan huyện thường ngày rất bủn xỉn, nhưng ông ta sắp mãn nhiệm rồi. Đứng trước sự lựa chọn lợi hại cho việc thăng chức, chuyển nơi khác, tăng bổng lộc, tính bủn xỉn cũng phải biến thành hào phóng ngay.
Tam cương ngũ thường hay tam cương ngũ thường là lời dạy của Khổng Tử, người sáng lập Nho giáo. Cụm từ này buộc bất kỳ người nào trong chế độ phong kiến đều phải làm theo.