Nhà danh hoạ nổi tiếng đời Tống, Mễ Phất (tự là Nguyên Chương năm 1051- 1107), khi còn nhỏ đã từng học viết chữ với một vị thầy trong thôn. Học được ba năm, tốn không biết bao nhiêu giấy nhưng vẫn viết rất bình thường, người thầy tức giận đuổi đi.
Một hôm, một anh học sinh đi thi ngang qua đường. Mễ Phất nghe nói anh ta viết chữ rất đẹp liền đến thỉnh giáo. Anh học sinh nói:
– Muốn ta dạy cho phải dùng giấy của ta mới được. Giấy của ta năm lạng bạc ròng một tờ.
Mễ Phất giật mình, trợn mắt há mồm. Anh học sinh nói:
– Không mua giấy của ta thì thôi vậy.
Mễ Phất cuống lên nói:
– Để em đi lấy tiền.
Mẹ không chịu nổi sự van nài khẩn thiết của Mễ Phất, đành phải đem cầm đồ trang sức duy nhất lấy năm lạng bạc. Anh học sinh nhận bạc, đưa cho Mễ Phất một tờ giấy.
– Đó chẳng qua chỉ là một tờ giấy bình thường. Nhưng Mễ Phất không dám đặt bút xuống, cứ chăm chú trau chuốt chữ mẫu. Cậu ngồi viết lên bàn học, ngẫm nghĩ về từng đường từng nét của mỗi chữ đến say sưa quên cả thời gian.
Đọc thêm: Lý Xử Hậu dùng ô khám nghiệm tử thi
Hết nửa ngày, anh học sinh đến, hỏi:
– Tại sao lại không viết?
Nguyên Chương giật mình, làm rơi cả bút xuống đất:
– Giấy đắt, sợ phí giấy.
Anh học sinh cười nói:
– Chú mày đã trau chuốt cả buổi rồi, giờ viết một chữ ta xem. Nguyên Chương viết chữ ”vĩnh”, vừa giống như chữ mẫu lại vừa hình như không giống, rất là đẹp. Anh học sinh nói:
Viết chữ không những chỉ động bút mà còn phải động não. Chú mày đã hiểu được bí quyết rồi đấy.
– Mấy ngày sau, anh học sinh tặng cho Mễ Phất một cái túi vải, dặn sau khi anh ta đi mới được mở. Mễ Phất tiễn anh học trò một đoạn xa rồi mới quay về mở túi: hoá ra trong đó là năm lạng bạc ròng. Cậu không cầm được nước mắt. Từ đó, Mễ Phất cứ đặt năm lạng bạc trên bàn học, khắc cốt ghi tâm người học sinh đã dốc sức dạy mình viết chữ.