Đời Minh, thời Chính Đức (1506- 1521) ở phường Chu Tử trung thành Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến có một tú tài tên là Trịnh Đường, tự Nhữ Ngang, hiệu Tuyết Tiều Sơn Nhân. Anh ta cầm kỳ thi hoạ, thi từ ca phú cái gì cũng am hiểu. Một năm, anh mở quán tranh chữ ở một vùng rất phồn hoa. Mới có mấy tháng mà đã làm ăn hết sức phát đạt.
Một lần, có một người tên là Công Trí Viễn đem đến cầm bức tranh ”Hàn hi tải dạ yến đồ” của nhà danh hoạ Cố Hoành Trung thời Ngũ đại truyền lại. Đây quả là vật quí hiếm trên thế gian. Trịnh Đường cả mừng, lập tức chi cho anh ta tám nghìn lạng bạc. Công Trí Viễn chấp nhận đến kỳ hạn sẽ trả lại mười lăm nghìn lạng. Thế nhưng thoắt cái đã đến kỳ hạn mười lăm ngày mà vẫn không thấy Công Trí Viễn đến chuộc tranh. Trịnh Đường lấy chiếc gương phóng đại ra, quan sát tỉ mỉ mới phát hiện ra đây là bức tranh giả. Tin Trịnh Đường bị lừa mất tám nghìn lạng bạc trong một đêm đã truyền đi nhanh chóng làm kinh động các bạn hàng trong toàn thành.
– Ngày thứ ba, Trịnh Đường làm mười mâm cỗ tại nhà ở phường Chu Tử, mời tất cả các kẻ sỹ danh tiếng và các bậc tranh chữ nhà nghề trong toàn thành đến dự tiệc. Tối đó, khách khứa đến rất đầy đủ, có người đến với sự thân tình, có người đến để rút lấy bài học, cũng có người đến với tấm lòng nhiệt tình, còn có một số người đến dự với tâm trạng vui mừng trước tai hoạ của chủ nhân.
Chừng giữa bữa tiệc, Trịnh Đường đem bức tranh đó từ trong ra treo chính giữa phòng khách, nói với mọi người:
– Hôm nay mời chư vị đến dự tiệc, một mặt là để tôi biểu thị quyết chí hành nghề tranh chữ, tuyệt nhiên không phải do đó mà từ bỏ quyết tâm; mặt khác là để những người cùng nghề chúng ta cùng nhìn bức tranh giả, nhận thức được việc bọn lừa đảo đã dùng thủ đoạn ghê gớm như thế nào để đổi trắng thay đen.
Also Read: Những câu chuyện thú vị về thời niên thiếu của Từ Vị
Các bạn cùng nghề sau khi ngắm bức tranh giả đều nói:
– Trịnh tiên sinh đã mở rộng tầm mắt cho chúng tôi, giúp chúng tôi sau này tránh được việc bị lừa, thật là công đức vô cùng.
Lúc này, Trịnh Đường mới cho bức tranh giả vào bếp lò, vừa đốt vừa nói:
– Không nên giữ cái bức tranh giả hại người này.
Việc Trịnh Đường đốt tranh chỉ trong một đêm đã gây chấn động cả thành Phúc Châu.
– Ngày hôm sau, Trịnh Đường đến quán lại thấy Công Trí Viễn đang ngồi đó đợi mình, nói là do có việc nên đã trễ kỳ hạn đến giả bạc. Trịnh Đường nói:
Chỉ trễ có ba ngày, không hề gì, nhưng Lãi phải tăng lên.
– Tính ra cả vốn lẫn lãi là mười lăm nghìn hai trăm bốn mươi lạng bạc. Tên Công Trí Viễn kia vốn đã biết tranh bị đốt rồi nên không hề sợ sệt, nói:
Được, có bạc đây, xin mời Trịnh tiên sinh đưa tranh ra.
– Trịnh Đường vào trong lấy bức tranh ra. Công Trí Viễn giao bạc, đón lấy bức tranh vội vàng mở ra, vừa nhìn thấy hai chân hắn bỗng mềm nhũn dường như không đứng nổi nữa.
Hoá ra, Trịnh Đường từng bị lừa nên đã phát giác ra bức tranh đó là giả nhưng lúc đó giả bộ không biết, để Công Trí Viễn lọt vào bẫy. Sau đó, Trịnh Đường phỏng theo bức tranh này vẽ lại một bức khác đồng thời cố ý rêu rao khắp nơi rằng mình bị lừa, lại thết tiệc thiêu tranh để cho tên cầm tranh lừa đảo biết tin chủ động tìm đến Trịnh Đường đã nhận lại được số vốn và lãi lớn. Bức tranh mà Trịnh Đường đốt ở bữa tiệc chính là bức mà anh tự vẽ mô phỏng lại.