Kỷ Hiểu Lam là một học giả nổi tiếng đời nhà Thanh, là Tiến sỹ đời vua Càn Long, làm quan tới chức Thượng thư bộ Lễ, Hiệp biện Đại học sỹ. Ông từng kể một câu chuyện “Trời xanh không phụ người hảo tâm”, vẫn có ý nghĩa to lớn đối với thời nay. Chuyện kể rằng:
Huyện Uyển Bình có một người tên là Trần Vĩnh Niên. Gia cảnh nhà ông ban đầu khá sung túc, nhưng về sau thì dần suy sụp. Em trai ông tên là Trần Vĩnh Thái qua đời. Người em dâu tính tham lam, đặt chuyện muốn ra ở riêng. Trần Vĩnh Niên khuyên không nên ra riêng, nhưng bà ta khăng khăng muốn như thế, nên ông bèn miễn cưỡng chấp thuận.
Đến khi phân chia tài sản, người em dâu lại nói: anh là nam giới có thể kinh doanh mưu sự. Tôi là góa phụ, con cái còn nhỏ, xin chia cho tôi 2/3 gia tài. Người trong gia tộc đều nói bà ta ngang ngược vô lý quá, cần phải chia đôi công bằng. Nhưng Trần Vĩnh Niên lại nói: “Em dâu thật sự nên được 2/3, làm theo ý bà ấy vậy”.
Không ngờ sau đó bà ta lại nói: “Gia đình vốn là chủ của rất nhiều nợ cũ, ở bên ngoài có không ít khoản tiền người ta còn nợ mình, anh là đàn ông tiện việc ra ngoài đòi nợ. Tất cả các khoản tiền nợ đều tính vào tài sản, trả về dưới tên anh. Như thế, anh phải chia phần lớn tài sản hiện giờ cho tôi”. Trần Vĩnh Niên lại nhẫn nhịn, nghe theo lời bà ta.
Như thế sau khi ra ở riêng, Trần Vĩnh Niên có được chẳng là bao. Ông nhiều lần ra ngoài đòi nợ, nhưng luôn thu không được tiền. Thế là ông đành phải mang con trai Trần Tam Lập theo, sống một cuộc đời bần hàn. Thế mà em dâu của ông lại có cuộc sống rất sung túc.
Also Read: Đường Thái Tông và 5 nguyên tắc trị vì thiên hạ
Những người trong gia tộc đều rất bất bình thay cho Trần Vĩnh Niên, đề nghị ông cùng với người em dâu một lần nữa phân chia gia sản lại cho công bằng hợp lý. Trần Vĩnh Niên luôn luôn lắc đầu không đồng ý.
Mấy năm trôi qua, không ngờ Trần Tam Lập con trai ông vùi đầu khổ công học tập, thành tích rất tốt. Trong kỳ thi Đình anh đỗ Trạng Nguyên. Từ đó về sau cá chép hóa rồng, danh tiếng và phúc lộc dồi dào, cuộc sống tốt đẹp hơn xưa bội phần.
Các bà con của ông lúc trước rất bất bình thay Trần Vĩnh Niên. Giờ đây họ lại hết sức mừng vui cho ông, vô cùng phấn chấn nói rằng: “Đúng là Trời xanh không phụ người hảo tâm rồi!”.
(Chuyện lấy trong bộ sách “Duyệt vi thảo đường bút ký” – tập 19).
Người viết kể lại chuyện Trần Vĩnh Niên chịu thiệt thòi nhưng cuối cùng lại được phúc báo, thật là cảm động. Chuyện này làm tôi nhớ lại một câu nói của Thánh hiền thuở xưa: “Trên đầu 3 thước có Thần linh!”. Làm người chớ nên e sợ việc phải chịu thiệt thòi, cũng đừng nghĩ đến việc chiếm lợi của người khác. Bởi vì người nào cả đời chiếm được lợi của người khác, làm hại người khác, thì sau một đời sẽ đảo ngược lại, người đó sẽ phải trả lại cho người ta. Nói cách khác, chúng ta cần phải giữ Đức, nâng cao tâm tính, làm bất cứ chuyện gì ở bất cứ nơi đâu cũng đối đãi công bằng, luôn luôn lo nghĩ cho người khác, tuyệt nhiên không thể hại người.
Duyệt Vi thảo đường bút ký: Có nghĩa là bút ký được viết ở ngôi nhà cỏ Duyệt Vi. Duyệt Vi Thảo đường là cách Kỷ Hiểu Lam gọi ngôi nhà của mình ở Hà Bấc. Đây là tác phẩm nổi tiếng của Kỷ Quân và được nhiều người biết đến. Wikipedia