Cuối đời Đông Hán, ở Nam Xương có một em bé họ Từ, mười một tuổi rất thông minh lanh lợi, có tài biện bác nên nhiều người lớn thích đưa cậu đi chơi đây đó.
– Một lần, có một thầy giáo tên là Quách Lâm Tông rủ bé Từ đến hơi nhà mình.
Bé Từ vừa mới bước vào sân, thấy thầy giáo đang sai một số người cưa hạ một cây hoè trong sân nhà mình. Bé Từ nói:
– Bác Quách ơi, bác hãy nhìn xem, cây hoè này xoè một tán lá tròn, với muôn ngàn lá cây xanh mướt, như một cái mui xe lớn, mùa hè che ánh nắng gắt gao, mùa đông thì chắn những trận cuồng phong, nó đang dồi dào sức sống ở một nơi thuận lợi đẹp đẽ quá chừng, thế mà bác lại chặt nó đi, có phải đáng tiếc biết bao nhiêu tàn nhẫn biết bao nhiêu.
Đọc thêm: Trương Thưởng mở tiệc mời kẻ trộm
Thầy giáo Quách Lâm Tông lắc đầu quầy quậy bảo:
– Gần đây bác có đọc một cuốn sách, trong đó có câu: ”Giữa sân giếng trời vuông chằn chặn, bốn bề vuông vắn như miệng người, ở giữa sân vuông có cây mọc, cây mọc trong miệng, điềm gở rồi”, cháu nghĩ xem chữ mộc trong chữ khẩu chẳng là chữ khốn đó thôi? Ai còn chịu sống trong cảnh ”khốn” hả cháu?
Bé Từ thấy lời của thầy giáo già thật đáng nực cười, nên cũng nghiêm trang nói:
– Thưa thầy, gần đây con cũng đọc một cuốn sách, trong đó có câu: ”Nhà xây vuông bốn góc, vuông như chữ khẩu miệng người; Trong nhà có người ở đó, người ở trong miệng cũng là điềm gở đó thôi. Thầy thử nghĩ xem, chữ nhân trong chữ khẩu chẳng là chữ ”tù” là gì? Ai lại muốn giam mình trong nhà tù kia chứ. Cho nên mới nói rằng, nếu chữ khốn” là điềm gở, mà đem cưa cái cây giữa sân đi, thì chữ ”tù” còn gở hơn nhiều, thế thì nhà cũng không ở được hay sao?
Quách Lâm Tông nghe xong cười ha ha và xua tay bảo mọi người thôi đừng cưa cây nữa.