Nắm điểm yếu, sử dụng chiến tranh tâm lý

Chiến tranh tâm lý của Triệu Cao từng câu từng câu đánh trúng vào chỗ hiểm. Lý Tư là một người sợ được sợ mất, Triệu Cao đã lợi dụng tâm lý này của ông ta, cuối cùng khiến ông ta phải khuất phục.

Sa Khâu – cung điện của hoàng đế ở địa giới nước Triệu trước đây.

Tần Thủy Hoàng hai mắt khép hờ, lúc hấp hối nhìn chăm chăm vào tỉ thư ở trước mặt với thần sắc thẫn thờ, một câu cũng không nói nên lời. Thừa tướng Lý Tư, lệnh phủ trung xa Triệu Cao đang bận rộn ở bên cạnh. Bọn họ dâng cho Tần Thủy Hoàng tỉ thư vừa ghi chép xong để ông ta xem qua.

Đợi một lúc lâu không thấy Tần Thủy Hoàng có phản ứng gì. Vẫn là Triệu Cao linh hoạt, ông ta lấy tay lay lay, thì ra Tần Thủy Hoàng đã không còn thở nữa. Ông ta hiểu hoàng thượng đã băng hà. Năm đó, Tần Thủy Hoàng vừa tròn 50 tuổi.

Thừa tướng Lý Tư sợ hoàng đế qua đời đột ngột sẽ làm cho triều đình hỗn loạn. Ông ta chủ trương một mặt bí mật không phát tang, đặt thi thể ở trong xe ôn lương (xe tang), bên ngoài tất cả vẫn như cũ, mặt khác lập tức triệu Thái tử Phù Tô về Hàm Dương. Vì sợ mùi thối của thi thể bốc ra sẽ khiến cho mọi người nghi ngờ, ông ta cho để riêng mấy xe cá mắm ở đằng sau xe tang để xua đi mùi thối.

Lúc đó, Thái tử Phù Tô phụng mệnh vua cha đang chỉ huy quân ở chốt hiểm yếu ở biên giới, muốn về Hàm Dương cũng cần phải có thời gian, mà đoàn xe đi tuần ở phía đông của Tần Thủy Hoàng có về kinh cũng không thể về ngay đến Hàm Dương. Thời gian không khớp nhau đã tạo cho Triệu Cao một cơ hội trời ban để hắn giở thủ đoạn.

Triệu Cao là thầy giáo của Hồ Hợi – con út của Tần Thủy Hoàng. Đúng lúc đó, Hồ Hợi cũng cùng phụ thân đi tuần. Triệu Cao lén lút nói với Hồ Hợi: “Chúa thượng đã băng hà. Một khi đại ca của con lên ngôi hoàng đế, con sẽ không có gì cả. Vậy như thế nào mới tốt đây! Nay quyền lớn trong thiên hạ đang nằm trong tay ba người: Thừa tướng, công tử và Triệu Cao tôi, xin công tử ra tay trước là hay nhất, không nên bỏ lỡ cơ hội này”. Hồ Hợi lúc đầu còn nói mấy câu về trung, hiếu, nghĩa, lễ nhưng vì Triệu Cao khuyên bảo nhiều lần, cuối cùng không lên tiếng nữa.

Người còn lại là Thừa tướng Lý Tư, Triệu Cao biết rõ Lý Tư là kẻ tiểu nhân trong công danh lợi lộc, rất giỏi gió chiều nào che chiều ấy, tuy được Tần Thủy Hoàng ngưỡng mộ nhưng không thể thoát ra khỏi nhược điểm chí mạng thấy lợi quên nghĩa.

Đọc thêm: Lùi một bước trời cao biển rộng

Lý Tư: Di thư đã công bố chưa?

Triệu Cao: Đang ở trong tay Hồ Hợi. Lúc chúa thượng băng hà chỉ có hai người là ông và tôi ở đó. Cái gọi là di thư không phải là tôi và ông muốn nói như thế nào thì nói như thế ấy ư?

Lý Tư: Tại sao ông lại nói những lời như vậy. Những lời vong quốc này là để cho những đại thần như chúng ta nói hay sao?

Triệu Cao: Thừa tướng không phải ngạc nhiên. Tôi hỏi ông, tài năng, công trạng của ông có thể sánh được với Mông Khoát không? Còn mưu lược, uy tín và quan hệ với Phù Tô thì sao.

Lý Tư: Đều không bằng. Thế thì sao?

Triệu Cao: Vậy thì đúng rồi. Rất rõ ràng. Phù Tô làm hoàng đế tất đưa Mông Khoát lên làm Thừa tướng, ngôi vị Thừa tướng của ông còn có thể bảo toàn không. Hồ Hợi là do tôi dạy dỗ, sao không lập anh ta làm vua?

Lý Tư: Tôi không muốn có sự ưu đãi mà lại phụ lòng chúa thượng, chỉ cần một vị trí xứng đáng.

Triệu Cao: Các bậc thánh nhân từ xưa đến nay đều không đi vào chỗ tối của con đường, trong thiên hạ không có bữa tiệc nào là không tàn. Là lời thành thực cuối cùng tôi khuyên ông hãy suy nghĩ kỹ cho hoàn cảnh của mình. Bỏ cái gì, theo cái gì, hãy tự mình quyết định!

Chiến tranh tâm lý của Triệu Cao từng câu từng câu đánh trúng vào chỗ hiểm. Lý Tư là một người sợ được sợ mất, Triệu Cao đã lợi dụng tâm lý này của ông ta, cuối cùng khiến ông ta phải khuất phục. Tiếp theo, hai người cấu kết với nhau ngụy tạo chiếu thư giả, “lệnh” cho Phù Tô phải chết, Hồ Hợi lên làm hoàng đế đời thứ hai.

Nắm được chỗ hiểm của đối phương, tiến hành cuộc chiến tâm lý, là mấu chốt để công việc của Triệu Cao được thuận lợi. Kế sách này được vận dụng rất nhiều trong đấu tranh các mặt chính trị, kinh tế, quân sự ở trong và ngoài nước, xưa và nay. Trong thương trường hiện đại, đặc biệt là trong đàm phán thương mại, thành công của việc chiến tranh tâm lý, từ trước đến nay không phải là ít.

5/5 - (6 bình chọn)
muuluoc

Xin chào! Cám ơn bạn đã ghé thăm website. Theo dõi chúng tôi trên Pinterest, Twitter, Linkedin, Facebook, Google News. Trong quá trình biên tập và sưu tầm không tránh khỏi những điều sai xót, mong bạn đọc thông cảm...

Viết một bình luận