Trong quá khứ, có một người có khả năng tranh biện và anh ta thường thắng trong các cuộc tranh biện. Lúc đó, anh ta nghĩ rằng đó là tài năng của anh ta. Anh ta không suy nghĩ một cách cẩn thận về mối quan hệ giữa tranh biện và vấn đề phân biệt thiện ác.
Sau này, anh ta gặp một số người tu luyện, những người nhẫn nhịn không tranh biện, và có một cảnh giới tư tưởng khác biệt. Lúc ấy anh ta mới nhận ra sự khác biệt to lớn giữa hai loại người.
Một ngày nọ, sau khi đọc xong cuốn Đạo Đức Kinh của Lão Tử, trong đó nói: “Thánh nhân chi đạo, vi nhi bất tranh” (”Bậc thánh nhân chỉ làm việc chứ không tranh giành”), anh ta đột nhiên ngộ ra rằng: Nói chuyện khéo léo không phải là tài năng chân chính, mà chịu phỉ báng mà không tranh biện mới là cảnh giới cao thượng nhất của đời sống.
“Thiện giả bất biện, biện giả bất thiện” (Người thiện thì không cần phải biện giải, người nào phải biện giải thì là “bất thiện”) là từ chương 81 của Đạo Đức Kinh. Chương 81 viết: “Tín ngôn bất mỹ, mỹ ngôn bất tín; thiện giả bất biện, biện giả bất thiện; tri giả bất bác, bác giả bất tri” (Lời nói chân thật thì không hoa mỹ, lời nói hoa mỹ thì không chân thật. Người thiện thì không cần phải biện giải, người nào phải biện giải thì là “bất thiện”. Người biết thì không nói, người nói tức là người không biết).
Đức độ thường đặt giá trị vào hành động, không chỉ lời nói suông. Không cần thiết phải tranh luận chân lý hằng ngày. Những cuộc tranh luận suốt ngày chưa chắc đã đưa đến chân lý. Hết thảy chân lý và chính đạo chỉ có thể hiểu được bằng chuyên tâm thực tu và lĩnh ngộ chân chính.
Khổng Tử giảng trong “Luận ngữ – Lí Nhân“: “Quân tử dục nột vu ngôn nhi mẫn vu hành” (Bậc quân tử thường chậm trong lời nói nhưng hành động thì nhanh nhẹn và sáng suốt). Trong “Luận ngữ – Học Nhi“, ông giảng: “Quân tử thực vô cầu bão, cư vô cầu an, mẫn vu sự nhi thận vu ngôn.” (Bậc quân tử ăn nhưng không cầu ăn no; sống nhưng không màng thoải mái; nhanh nhẹn, minh mẫn nhưng rất thận trọng về lời nói của họ).
Also Read: Chuyện cậu bé mù xây cầu
Điều này cho thấy, người ta nên nói ít nhưng làm nhiều. Cả Khổng Tử và Lão Tử đều đồng ý về vấn đề này. Vì thế bất cứ điều gì mà chúng ta làm, có thể là tu luyện hoặc trong sinh hoạt xã hội, chúng ta chỉ làm một cách đứng đắn và thực tế mà không khoe khoang khoác lác.
Nếu chúng ta suy nghĩ về điều đó một cách cẩn thận, thì sẽ thấy rằng một người tốt với nhiều khả năng không cần phải đi tranh biện với người khác. Họ sẽ không chỉ dùng lời nói để chứng minh mình là đúng. Thậm chí dẫu họ có bị phỉ báng trước mặt hay bị công kích cá nhân, họ có thể chứng minh họ vô tội và thanh bạch bằng chính hành động của họ. Những người có thể nhẫn nhịn không tranh biện thường thường là những người làm việc một cách lặng lẽ, họ đều mang tâm `dữ thế vô tranh’ (không tranh với đời).
Ngược lại, những ai tranh biện hằng ngày thật ra không phải là những người có khả năng chân chính, mặc dù khi tranh biện, họ luôn muốn thể hiện năng lực của họ. Tuy vậy, người thiện lương chân chính không cần phải ‘hoa ngôn xảo ngữ’ (nói lời hoa mỹ và khôn khéo) để được người khác tán dương. Nói chuyện tầm phào mà không thật sự hành động thì tương đương với không hoàn thành việc gì.
Điều đầu tiên phải chú ý trong lời nói là tránh không nói những điều to tát và nói khoác lác. Không nên chỉ trích người khác, lấy thiện đãi người, gặp điều không hay thì nhẫn nhịn không tranh biện. Đây là những điều mà bậc chính nhân quân tử làm. Do vậy, rõ ràng là chúng ta nên nói ít hơn và làm nhiều hơn.