Triệu Biện đức tính cương trực công chính

Triệu Biện là người Tây An thời nhà Tống (nay thuộc huyện Cù tỉnh Chiết Giang). Ông đỗ tiến sỹ năm 27 tuổi, làm quan trong suốt 3 đời vua là Tống Nhân Tông, Tống Anh Tông, Tống Thần Tông. Danh tiếng về đức tính cương trực công chính, thương yêu dân chúng và sự tu dưỡng bản thân của ông được nhân dân truyền tụng.

– Khi Triệu Biện đang giữ chức quan Ngự sử, ông rất cẩn thận và tận tụy trong công tác. Ông là một vị “Giám quan không sợ quyền thế, giọng nói đầy quyền uy, ở kinh thành có biệt danh là ‘Thiết Diện Ngự Sử’ “. Tống Nhân Tông cho nịnh thần Trần Húc làm quan Xu mật phó sử (tương đương với phó Tể tướng), Triệu Biện ngay lập tức dâng tấu chương can ngăn, chỉ ra rằng Trần Húc “khi quân lừa dối nhân dân, vì lợi ích cá nhân mà làm hại việc công, chuyên môn đeo bám siểm nịnh bệ hạ”. Thấy vua không quan tâm để ý, trong mấy tháng liền ông đã liên tục trình lên 17 bản tấu chương, nhiều lần nói về đạo làm người và thuật trị quốc.

Ông đồng thời cũng nói rõ ra rất nhiều sự thật về những trò tham lam độc ác và bất công của Trần Húc, chỉ rõ rằng nếu để kẻ ấy đảm đương chức trách quan trọng như thế thì chắc chắn là có hại cho đất nước. Cuối cùng hoàng đế bãi chức Trần Húc. Đức tính nhẫn nại, tinh thần kiên trì chính nghĩa, chưa đạt được mục tiêu thì chưa ngừng nghỉ của Triệu Biện khiến cho người ta khâm phục.

– Triệu Biện làm việc theo lẽ công bằng vô tư, luôn luôn lấy việc quốc gia đại cục làm trọng. Trong lúc nghị luận việc triều chính, quan đại thần Phạm Trấn thường hay tranh cãi với ông, mọi người đều cho rằng 2 người này bất hòa với nhau. Có một lần Phạm Trấn phạm lỗi lầm bị Tống Thần Tông khiển trách. Thần Tông hỏi: “Rốt cuộc thì Phạm Trấn là loại người như thế nào?”.

Triệu Biện là người trả lời đầu tiên: “Phạm Trấn là một trung thần”.  Nhà vua hỏi: “Khanh làm sao biết được?”.

Đọc thêm: Lưu Bá Ôn dùng bức tranh để can gián hoàng đế

– Triệu Biện nói: “Hoàng đế Nhân Tông có một lần lâm bệnh nặng, Phạm Trấn đã là người đầu tiên dâng tấu trình, thỉnh cầu hoàng đế Nhân Tông lập thái tử để làm an lòng dân chúng. Tấu chương một trăm ngày sau mới được phê chuẩn, chuyện này làm cho Phạm Trấn lo lắng đến nỗi râu tóc đều bạc trắng cả, ông ấy không phải là trung thần sao được?”.

Sau khi bãi triều, có người hỏi hỏi ông rằng: “Phạm Trấn luôn luôn phản đối ông, sao ông lại nói đỡ cho ông ta?”

– Triệu Biện nói: “Tôi và Phạm Trấn tranh luận với nhau về việc công chứ không phải vì việc tư, làm sao chỉ vì tư tâm cá nhân mà quên lẽ công bằng được?!”

Về sau do ông động chạm đến những kẻ quyền quý nên bị giáng chức xuống làm quan tại một số địa phương. Ông không hề quan tâm đến chuyện được mất của cá nhân mình, mà dù làm quan tại đâu ông cũng đều thương dân, tạo phúc cho dân chúng một vùng. Ông suốt đời thanh liêm, mỗi lần đi nhậm chức thì đều cưỡi ngựa một mình, chỉ mang theo một cây đàn cầm và một con hạc trắng. Thành ngữ “Nhất cầm nhất hạc” cũng từ đó mà xuất hiện, có ý nói về quan lại thanh liêm. Triệu Biện làm quan tại quận Thục, mở rộng việc dạy học, chú trọng vấn đề giáo dục, thường xuyên đích thân giảng dạy, còn làm thơ động viên học trò:

“Cổ nhân danh giáo tại thi thư,

Thiển tục đồi phong hảo lực phù.

Khẩu tụng thánh hiền giai tiến sĩ,

Thân vi nhân nghĩa thủy chân nho”.

Tạm dịch:

Gương đạo đức của người xưa ghi chép trong thi thư,

Theo đó mà chấn chỉnh những phong tục tập quán suy đồi.

Tiến sỹ thì miệng tụng sách thánh hiền,

Thân vì nhân nghĩa mà làm việc mới là nhà nho chân chính.

– Nhờ có ông mà phong tục và nề nếp của quận Thục trở nên thuần hậu tốt đẹp, dân chúng xung quanh đều muốn dời nhà đến gần chỗ ông ở. Trước khi Triệu Biện làm quan ở Thanh Châu, thì Thanh Châu đã lâu ngày không có hạt mưa nào, nạn hạn hánchâu chấu hoành hành dữ dội. Khi Triệu Biện tới nhậm chức, thì trời đột ngột nổi trận gió to, toàn bộ giặc châu chấu bị cuốn sạch rơi xuống nước và chết, sau đó trời đổ mưa. Thiên tai hạn hán và nạn châu chấu được giải trừ, tất cả mọi người đều nói: ấy là nhờ đức lớn của Triệu Biện.

Triệu Biện làm quan trung thành chính trực. Ban ngày làm việc gì, ban đêm nhất định đều mũ áo chỉnh tề, kính cẩn nhìn trời bẩm báo thưa trình. Ông cả đời kính trọng và tin tưởng Thần Phật, làm việc thuận theo lương tâm, quang minh lỗi lạc. Ông còn thường xuyên khuyến khích những người xung quanh làm việc thiện, khuyên nhân dân cần phải siêng năng thuận theo Đạo lý, và chỉ có tu dưỡng Đức mới có được chí kiên định và lòng nhân từ. Thực ra, làm người sống ở trên đời, ngoài việc cẩn thận và tận tâm với chức trách của mình, chúng ta cần biết kính trọng Trời Thần, tu thân dưỡng đức. Bởi vì trở về nguồn cội mới là ý nghĩa đích thực của đời người, lương tri và cái Thiện mới là nguồn gốc của sinh mệnh.

5/5 - (5 bình chọn)
muuluoc

Xin chào! Cám ơn bạn đã ghé thăm website. Theo dõi chúng tôi trên Pinterest, Twitter, Linkedin, Facebook, Google News. Trong quá trình biên tập và sưu tầm không tránh khỏi những điều sai xót, mong bạn đọc thông cảm...

Viết một bình luận