Chu Tiểu Tuyền đoạt tượng quan âm

Vào cuối đời Thanh ở kinh thành có một vị giáo sĩ truyền đạo người nước ngoài là Ba Đăng đến. Một hôm, ông ta du ngoạn đến chùa Báo Quốc. Leo lên Tỳ Lư các, ông ta thấy trong khám thờ đặt một pho tượng Quan Âm bằng sứ, sắc men lóng lánh, màu sắc rực rỡ.

Ông ta kiễng chân, nhấc pho tượng đó lên ngắm ngía. A, thì ra là tuyệt tác của thợ nặn tượng bậc thầy thời Minh. Ông ta đã từng nghe nói về bảo bối vô giá này cách đây ba trăm năm, nhân lúc vị tiểu hoà thượng trông nom không để ý liền cuỗm luôn pho tượng mang đi.

Đúng thời gian này nghệ nhân nặn sứ nổi tiếng của trấn Cảnh Đức là Chu Tiểu Tuyền đến kinh thành truyền nghề. Sau khi nghe chuyện này, ông nói với hoà thượng ở đó:

– Ngài yên tâm, pho tượng Quan Âm đó tôi đã từng nhìn thấy nhiều lần, bảy ngày sau, chắc chắn tôi sẽ đem về cho ngài.

Mấy hôm sau, Chu Tiểu Tuyền đến giáo đường của Ba Đăng, lấy một pho tượng Quan âm bằng sứ ra cho Ba Đăng xem. Ba Đăng kinh ngạc nghĩ thầm: “A, sao pho tượng này lại giống hệt như pho tượng Quan Âm mà ta ăn cắp ở chùa Báo Quốc về thế nhỉ?”. Ông ta vội lấy pho tượng ăn cắp ra so sánh, quả nhiên giống y nhau.

Chu Tiểu Tuyền nói:

– Pho tượng Quan Âm này là sứ quí của đời Minh, cả nước chỉ có hai pho. Hôm nay tôi đem đến cho ngài đúng vừa may mà hợp thành đôi đó.

Ba Đăng vô cùng vui mừng, liền hỏi giá cả bao nhiêu. Chu Tiểu Tuyền đặt tượng thật và tượng giả cạnh nhau, giả bộ ngắm ngía một lúc rồi nói:

– Rẻ thôi, một nghìn lạng vàng.

Ba Đăng kêu quá đắt. Chu Tiểu Tuyền nhân lúc ông ta không chú ý, liền đổi vị trí hai pho tượng. Ông ôm pho tượng thật, nói:

– Được, chê đắt thì thôi vậy.

Nói đoạn, quay người ra khỏi giáo đường.

Ba Đăng nhìn theo bóng ông đi xa, bỗng nhiên cảm thấy là lạ:

Also Read: Bốn cô con dâu làm thơ

– Hắn ta không muốn bán hay sao mà đi vội như vậy?

Liền vội vàng dùng chiếc gương phóng to soi pho tượng còn lại trên bàn. Chỉ thấy ở lỗ tai pho tượng có in dòng chữ mà mắt thường không thể nhìn thấy được: ”Đại Thanh Chu Tiểu Tuyền phỏng chó”. Ông ta biết là bị lừa, vừa lỡ tay một cái, pho tượng Quan Âm giả kia rơi xuống đất vỡ tan.

Ba Đăng liền kiện lên nha môn, nói pho tượng Quan Âm kia ông ta phải mua mất một trăm lạng vàng, nay lại bị Chu Tiểu Tuyền lừa lấy đi. Ông ta còn mua chuộc đút lót viên quan thẩm lý vụ án, nên quan thẩm phán trên công đường nói: Hai bên đều có lý, lại đều có nhân chứng, vụ án nhất thời khó mà xác minh được. Ông ta tuyên bố: Ba Đăng và Chu Tiểu Tuyền khi uống rượu, ai uống được nhiều, tượng Quan Âm sẽ xử thuộc về người ấy. Bởi vì ông ta biết Ba Đăng là một con sâu rượu nổi tiếng.

Đến hôm thi uống rượu, ở cửa quán rượu nổi tiếng kinh thành Đắc Nguyệt Lầu người đông nườm nượp. Trước cửa quán dựng một cái đài cao, trên đài để sẵn bàn ghế. Chu Tiểu Tuyền tay xách một bình rượu lớn đặc hiệu lên bàn, rồi cùng với Ba Đăng rót rượu uống mỗi bên uống mười mấy bát, hết sạch cả một bình rượu đầy. Đồ đệ của Chu Tiểu Tuyền lên đài lấy bình đi vào trong quán, lát sau, lại xách một bình rượu đầy lên, hai người lại uống bát này tiếp bát khác. Uống hết ba bình rượu lớn, Chu Tiểu Tuyền mặt vẫn không biến sắc còn Ba Đăng say mềm như cọng bún. Quan thẩm phán đành phải giao pho tượng Quan Âm cho chùa Báo Quốc.

Hoà thượng trụ trì mời Chu Tiểu Tuyền đến chùa bày tiệc chiêu đãi ông. Giữa tiệc, Chu Tiểu Tuyền liền tiết lộ bí quyết uống rượu không say: Hoá ra, bình rượu lớn đặc chế do ông làm kia có hai tầng, tầng trong đựng rượu, tầng ngoài đựng nước. Ở quai bình có hai lỗ nhỏ lần lượt nối liền với hai tầng trong ngoài. Miệng bình cũng liền với hai tầng. Nếu ấn tay vào cái lỗ nhỏ bên trên, nước ở tầng ngoài bị hút vào, chỉ có thể rót được rượu ra; nếu ấn cái lỗ ở dưới thì chỉ đổ được nước ra. Thật ra, Chu Tiểu Tuyền toàn là uống nước. Mọi người vỡ lẽ đều ca ngợi ông là người thợ khéo tay trí tuệ phi phàm.

5/5 - (5 bình chọn)
muuluoc

Xin chào! Cám ơn bạn đã ghé thăm website. Theo dõi chúng tôi trên Pinterest, Twitter, Linkedin, Facebook, Google News. Trong quá trình biên tập và sưu tầm không tránh khỏi những điều sai xót, mong bạn đọc thông cảm...

Viết một bình luận