Kế “thân xa đánh gần” của Phạm Tuy

Tần Chiêu Tương Vương hết sức tán thưởng sách lược thân xa đánh gần của Phạm Tuy định ra liền bái ông làm khách khanh…

Năm 270 trước Công nguyên, trong lúc Mạnh Hầu Ngụy Nhiễm của nước Tần đang định phát binh đi đánh nước Tề thì Tần Chiêu Tương Vương nhận được một lá thư, người viết thư nói có việc khẩn cấp muốn đích thân gặp Tần Vương.

Sau khi Tần Chiêu Tương Vương lên ngôi, vì toàn bộ đại quyền đều bị Thái hậuNguỵ Nhiễm thao túng nên ông rất bất đắc chí, rầu rĩ không vui, chỉ mong muốn có người có học thức giúp đỡ để thoát khỏi sự khống chế của Thái hậu và Ngụy Nhiễm, vì vậy ông lập tức đồng ý Triệu kiến người viết bức thư kia tại cung Ly.

Khi Tần Chiêu Vương theo lời hẹn đi xe đến cung Ly thì giữa đường có người đàn ông lực lưỡng chặn lại không chịu tránh đường.

– Đại vương đến rồi! – Thị tùng của Tần Vương quát to.

– Cái gì, nước Tần còn có đại vương ư? Tôi chỉ nghe nói nước Tần có Thái hậu, Nhương hầu, xưa nay chưa từng nghe nói có Đại vương gì đó cả! – Người đàn ông chặn đường cao giọng nói.

Mấy câu nói này, ở trong xe Tần Chiêu Tương Vương đã nghe thấy, biết rằng người đàn ông này không phải bỗng dưng vô cớ gây sự, ông vội vàng xuống xe, đỡ người đàn ông lên, khéo léo dò hỏi mới biết rằng người này chính là người viết thư, tên là Phạm Tuy (? – năm 255 trước Công nguyên).

Tần Chiêu Tương Vương mời Phạm Tuy vào cung Ly, cho tả hữu lui ra, thành khẩn thỉnh giáo kế sách trị nước, bất luận lỗi lầm của Thái hậu, Nhương hầu hay là của mình, đều có thể nói thẳng.

Phạm Tuy vừa nãy không chịu nhường đường là để thăm dò thành ý của Tần Vương, nay thấy đại vương quả thật chí thành chí khẩn liền nói thẳng vào vấn đề:

Đọc thêm: Kế “quân khỏe đánh quân mệt” của Vương Tiễn

– Lực lượng quân sự của nước Tần đủ để chinh phục chư hầu nhưng mười lăm năm nay lại không hề phát triển được gì, điều này không thể không nói là Thái hậu và Nhương hầu nắm giữ đại quyền nước Tần, không chịu thành tâm cống hiến sức lực cho nước Tần mà về mặt sách lược đại vương cũng có nhiều lệch lạc!

Tần Chiêu Tương Vương gật đầu, khiêm tốn hỏi:

Tiên sinh toàn nói lời thật, xin tiên sinh hãy phân tích tường tận cho ta nghe có được không?

Phạm Tuy nói:

– Chuyện Thái hậu và Nhương hầu chuyên quyền chúng ta để sau hãy bàn kỹ. Lần này chỉ nói chuyện đại vương thất sách. Hiện giờ chẳng phải Nhương hầu đang muốn xuất binh đánh nước Tề sao? Nhưng nước Tề có cách nước Tần rất xa, ở giữa cách hai nước Hàn, Ngụy. Cho dù đại vương có đánh bại nước Tề cũng không có cách nào nối liền nước Tề với nước Tần được, nước Tề sẽ còn có mối nguy hiểm được rồi lại mất. Sách lược tốt nhất là thân xa đánh gần, tạm thời đoàn kết với nước Tề, lấy được nước Hàn, nước Ngụy lân cận trước rồi hãy phát binh đánh Tề, nước Tề sẽ dễ dàng công hạ.

Tần Chiêu Tương Vương hết sức tán thưởng sách lược thân xa đánh gần của Phạm Tuy định ra liền bái ông làm khách khanh. Mấy năm sau lại bãi chức của Nhương hầu, tước đoạt quyền lực tham gia triều chính của Thái hậu. Thế là ông chính thức bổ nhiệm Phạm Tuy làm thừa tướng. Từ đó, Tần Chiêu Tương Vương như cá gặp nước dốc sức thi hành phương châm viễn giao cận công của Phạm Tuy đánh tan thế lực hợp nhất của sáu nước kia, mở rộng biên giới, chuẩn bị tích cực về các mật chính trị, quân sự, kinh tế cho việc Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Quốc sau này.

Khách khanh: là thần tử được vua hết sức coi trọng.

5/5 - (9 bình chọn)
muuluoc

Xin chào! Cám ơn bạn đã ghé thăm website. Theo dõi chúng tôi trên Pinterest, Twitter, Linkedin, Facebook, Google News. Trong quá trình biên tập và sưu tầm không tránh khỏi những điều sai xót, mong bạn đọc thông cảm...

Viết một bình luận