Người Thợ Thiếc mạ bình thuỷ tinh

Người thợ thiếc kia thấy hoàng đế đích thân tới quan sát không dám chậm trễ, tự tay dùng một cái búa đặc biệt gõ vào thỏi vàng nhỏ cho đến khi nó dẹp thành…

– Tống Huy Tông (tại vị từ năm 1101- 1126) thường ngày rất thích những đồ thủ công mỹ nghệ. Một lần, ông có mười cái bình thuỷ tinh lung linh xinh xắn nhưng vẫn cảm thấy chưa tinh xảo, liền giao chúng cho một thái giám, yêu cầu đốc thúc thợ mạ một lớp vàng vào bên trong bình.

Những người thợ thủ công đều bó tay không có cách nào, họ nói với thái giám:

– Nếu muốn mạ vàng bên trong bình phải dùng lược bí sắt nung nóng đỏ lên mới được. Nhưng cái bình miệng nhỏ thân to, lược sắt khó mà nhét vào được, hơn nữa loại bình thuỷ tinh này vừa mỏng vừa dễ vỡ cho dù lược sắt có thò được vào trong bình cũng khó mà thao tác, cứ cố làm bình sẽ vỡ ngay.

Thái giám đành phải tạm thời cất mười cái bình vào trong hòm. Mấy hôm sau, ông ta dạo chơi ở các cửa hàng cửa hiệu bên đường, bỗng nhìn thấy một người thợ thiếc đang làm đồ gốm, tay nghề hết sức tinh xảo, thái giám nghĩ ”Tại sao không đem một cái bình đến cho anh ta thử?”. Lát sau, thái giám trở về cung đem một cái bình đến đưa cho người thợ đó:

– Hãy dùng vàng mạ vào bên trong cái bình này.

Người thợ kia không thèm nhìn, bảo ông ta sáng mai đến lấy. Ngày hôm sau thái giám đến lấy hàng, chiếc bình kia quả nhiên đã trở thành ánh vàng lấp lánh. Thái giám vui mừng vượt quá sức tưởng tượng nói:

– Xem ra tay nghề của ngươi có một không hai đấy, trình độ vượt xa những thợ thủ công trong cung. Thái giám mừng rỡ dẫn người thợ đó vào cung đồng thời đem việc này tấu trình lên Tống Huy Tông. Huy Tông thấy một cái bình thuỷ tinh đã được mạ vàng như yêu cầu thì trầm trồ khen ngợi, ngắm nghía, lại nghe nói đó là do một người thợ thiếc tài giỏi ở ngoài cung làm liền đích thân ra quan sát, truyền cho tất cả các thợ thủ công trong cung đều phải đến sân đình quan sát, học tập.

Đọc thêm: Năm lạng bạc ròng của Mễ Phất

Người thợ thiếc kia thấy hoàng đế đích thân tới quan sát không dám chậm trễ, tự tay dùng một cái búa đặc biệt gõ vào thỏi vàng nhỏ cho đến khi nó dẹp thành một lát vàng vừa mỏng vừa đều như tờ giấy, cuộn chặt nó ra ngoài cái bình. Những người thợ thủ công trong cung trong lòng vẫn chưa phục, phút chốc cười ồ lên:

– Gõ đập như thế cán thành lát vàng, ai mà không biết làm?

Người thợ thiếc kia không nói năng gì, cẩn thận bóc lát vàng bọc bên ngoài cái bình ra, nhẹ nhàng dùng đũa bạc kẹp lấy, lại đút nó vào bên trong bình, cho thêm một lượng thuỷ ngân thích hợp rồi đóng miệng bình lại, cầm lấy bình lắc lên lắc xuống, lắc trái lắc phải.

– Nửa tiếng sau, người thợ thiếc giơ chiếc bình lên cho mọi người xem. Ồ, lát vàng kia đã đính sát vào vách trong chiếc bình, hoàn toàn không có một khe hở nào. Anh dùng móng tay út ép lát vàng vào phần cổ bình cho đều, thế là đã thành công. Lúc này những người thợ thủ công mới kinh ngạc mở to mắt ngây ra nhìn.

Huy Tông cũng ngạc nhiên hỏi:

– Làm sao ngươi lại biết dùng cách này để mạ vàng?

Người thợ thiếc cung kính trả lời:

– Những đồ dùng bằng thuỷ tinh đều rất giòn, dễ vỡ, làm sao mà dùng những đồ vật cứng thao tác gõ đập vào nó được? Chỉ có tính chất của thuỷ ngân là mềm mại mà lại nặng, đổ vào trong bình rồi lắc mới không làm tổn hại đến thuỷ tinh, tuy nó có hơi làm hao tổn bề mặt vàng nhưng sự hao tổn này mắt thường tuyệt nhiên không nhìn thấy.

Tống Huy Tông lệnh cho người thợ thiếc đem tám cái bình còn lại đều mạ theo phương pháp này. Sau sự việc đó, ông trọng thượng hậu hĩnh cho người thợ thiếc.

5/5 - (5 bình chọn)
muuluoc

Xin chào! Cám ơn bạn đã ghé thăm website. Theo dõi chúng tôi trên Pinterest, Twitter, Linkedin, Facebook, Google News. Trong quá trình biên tập và sưu tầm không tránh khỏi những điều sai xót, mong bạn đọc thông cảm...

Viết một bình luận