Tô Vô Danh đến huyện nha, dặn tất cả mọi bổ dịch. Mấy ngày này các người chia nhau ra cổng thành đón đợi hễ thấy người rợ Hồ nào ra khỏi thành đi về…
Đời Đường, khi Võ Tắc Thiên đang làm vua, hai hộp lớn đựng vàng bạc châu báu của công chúa Thái Bình cất giữ trong kho bị mất trộm. Võ Tắc Thiên ra lệnh cho trưởng sử Dương Châu, trong ba ngày phải phá cho xong vụ án. Trưởng sử lại bắt quan huyện đi phá án, quan huyện thì hạ lệnh cho bọn bổ dịch đi bắt cướp.
– Bọn bổ dịch đi hỏi dò khắp nơi, chẳng lần ra manh mối gì, dọc đường lại gặp Tô Vô Danh là biệt giá (chức phó của thứ sử một châu) của Hồ Châu – người rất giỏi về phá án, liền mời ông ta về huyện nha. Quan huyện liền vội vàng nói với trưởng sử, sau đó bẩm báo lên Võ Tắc Thiên.
Võ Tắc Thiên đã cho mời Tô Vô Danh, ra lệnh cho ông ta phải phá vụ án này. Tô Vô Danh nói:
– Xin tuân lệnh! Nhưng xin chớ nên ra kỳ hạn quá căng, ngoài ra, hãy để tất cả bọn bổ dịch ở đây cho tôi điều khiển.
Võ Tắc Thiên đồng ý.
– Tô Vô Danh đến huyện nha, dặn tất cả mọi bổ dịch:
Mấy ngày này các người chia nhau ra cổng thành đón đợi hễ thấy người rợ Hồ nào ra khỏi thành đi về phía núi Bắc Mang, thì đến báo ngay cho ta biết.
– Hôm Thanh minh, bọn bổ dịch quả nhiên thấy mười mấy người rợ Hồ lên núi Bắc Mang tảo mộ. Họ đặt đồ tế lễ xuống cạnh một cái mả mới, thắp hương nến lên, và đốt giấy tiền, tiếp đó quỳ xuống trước mồ hồ khóc. Những người bổ dịch nấp trong lùm cây thấy họ hồ khóc mà xem ra chẳng có gì tỏ ra đau đớn, còn thấy họ sau khi tế lễ xong, đi quanh ngôi mộ một vòng, lại cười lên với nhau… thế là bọn bổ dịch sai người về báo ngay với Tô Vô Danh.
Also Read: Thôi Đại Thần khéo tìm vợ lẽ
Tô Vô Danh mừng rỡ nói:
– Chúng chính là bọn cướp đã lấy trộm châu báu của công chúa.
Bọn bổ dịch đã bắt bọn người Hồ đó lại, đào mồ lên, mở rắp quan tài ra, toàn bộ đồ quý giá của công chúa Thái Bình ở hết trong quan tài.
– Sau khi nghe báo tin, Võ Tắc Thiên lại cho mời Tô Vô Danh, hỏi xem ông đã dùng diệu kế gì vậy.
Tô Vô Danh đáp rằng:
– Thần chẳng có diệu kế gì hết, mà chỉ là chú ý quan sát tỉ mỉ mà thôi. Khi thần đến kinh đô hôm ấy, gặp mười mấy người rợ Hồ cùng khiêng một chiếc quan tài đi chôn, thấy thần sắc của họ có vẻ không bình thường, bèn nghi ngờ bọn chúng là phường trộm cướp, trong cái quan tài kia có thể chứa tang vật. Nhưng lúc ấy, không biết chúng chôn quan tài ở đâu. Tiết thanh minh hẳn là mọi người phải đi tảo mộ, thần đoán có thể bọn chúng sẽ ra ngoài thành, cho nên đã sai người rình ở cổng thành, theo dõi chúng và phát hiện ra nơi chúng chôn quan tài. Khi tế lễ chúng chẳng hề tỏ ra đau xót, chứng tỏ dưới mồ không phải là chôn người. Chúng đi quanh mộ xem xét rồi cười với nhau, là vì chúng hí hửng khi thấy nấm mồ không bị ai đào lên. Lúc đầu thần có xin bệ hạ cho rộng rãi thời gian, là có ý để cho chúng tê liệt cảnh giác. Nếu không như thế, có thể chúng sẽ như chó cùng rứt dậu, bất chấp tất cả, đào hết tang vật trốn đi, như vậy, án sẽ khó phá!
Võ Tắc Thiên cả mừng, trọng thưởng cho Tô Vô Danh.
Chó cùng rứt giậu: Thành ngữ chỉ những người liều lĩnh, làm bậy làm bạ, hành động thiếu suy nghĩ và sự cân nhắc khi bị đẩy đến đường cùng, không còn cách nào khác.