Triều Thanh, huyện lệnh Chính Hoà tỉnh Phúc Kiến là Hồ Giám nhận chức không lâu đã thụ lý một vụ nghi án nan giải.
– Lý do vụ án là một phú hộ ở nơi đó là Tôn Thiên Hào tố cáo anh em gia đình phá sản Thẩm Tiểu Quan vay bốn trăm lạng bạc không chịu trả. Còn Thẩm Tiểu Quan lại không công nhận món nợ này. Hồ tri huyện cho gọi bị cáo, nguyên cáo lên công đường nhưng hai bên mỗi bên một lý lẽ, không hỏi ra được tý sửu dần mão. Tôn Thiên Hào trình lên hai tờ giấy vay nợ làm bằng chứng, Thẩm Tiểu Quan lại nói rằng đó là bằng chứng giả. Hôm đó không thể giải quyết rõ ràng được đành tạm thời cho lui.
Hồ tri huyện trở vào phòng trong, rất buồn rầu. Đến tận lúc lên đèn ông vẫn không muốn ăn uống gì, ngồi ngây ra trước hai tờ khế ước vay nợ đặt trên bàn. Bỗng nhiên do không để ý ông làm đổ cây nến, một giọt sáp nến chảy rơi đúng vào giữa mép nơi đặt hai trang giấy. Hồ tri huyện vội cầm hai tờ giấy lên thì thấy ở mép giấy đã dính nửa giọt sáp nến hình tròn màu đỏ. Hồ tri huyện tiện tay lại ghép giọt sáp nến ở mép hai tờ giấy lại thì tạo thành một hình tròn. Soi dưới ánh sáng ngọn nến. Hồ tri huyện vô cùng kinh ngạc, thấy giọt sáp nến đó giống y vầng mặt trời mới mọc nhô lên khỏi những rặng núi phủ đầy mây. Nguyên loại giấy này là giấy Cống Xuyên. Mặt giấy có độ mịn không đều, ánh sáng chiếu xuống nhìn rất rõ giấy như một bức tranh phong cảnh thiên nhiên. Hồ tri huyện bỗng lại ngồi ngắm nghía những đường vân giấy. Nhìn dọc thì giống tầng tầng dãy núi, xem ngang lại như sóng biển tuôn trào. Xem mãi xem mãi, bỗng ông đập án reo lớn:
Also Read: Hồ Thu Triều xử vụ án gian sát
– Phá được rồi?
Hoá ra, hai tờ giấy ông ghép vào lại tạo thành những đường vân khớp với nhau, chắc chắn là được dọc ra từ một tờ giấy. Vụ án này đã quá rõ ràng.
– Hôm sau, sáng sớm Hồ tri huyện đã thăng đường, Tôn Thiên Hào, Thẩm Tiểu Quan đều được gọi đến. Hồ tri huyện nghiêm giọng nói với Tôn Thiên Hào:
– Ngươi là bậc danh sĩ ở vùng này, tại sao lại làm giả giấy tờ lừa gạt người lành? Còn không mau khai thật ra.
Tôn Thiên Hào không chịu, nói:
– Oan uổng quá, đại nhân nói tôi làm giả khế ước, bằng cớ đâu? Xin đại nhân minh xét.
Hồ Tri huyện cười nhạt đáp:
– Ta biết hết rồi, người còn không chịu sao? Ta hỏi ngươi, hai tờ khế ước này có phải là được lập hai lần không?
– Vâng. Thẩm Tiểu Quan, tháng một năm ngoái vay hai trăm lạng bạc, đến tháng tư lại vay hai trăm lạng nữa. Hai tờ khế ước được lập lần lượt vào tháng giêng và tháng tư. Hồ tri huyện thấy hắn vẫn ngoan cố che giấu thì nổi giận đập bàn quát:
– Không đúng, bản quan đoán ra hai tờ khế ước này được viết cùng một lúc.
Tôn Thiên Hào kinh ngạc nói:
– Đại nhân dựa vào đâu mà phán đoán như thế?
Ngươi hỏi bằng cớ hả? Tờ khế ước này đây?
Hồ Tri huyện lập tức sai người đốt một cây nến, tay chỉ vào khế ước:
– Ghép hai tờ lại, vân giấy nối nhau vừa khớp, rõ ràng là dọc từ một tờ giấy ra, viết cùng một lúc. Thử hỏi, chẳng lẽ nhà họ Tôn ngươi tháng giêng dọc đôi tờ giấy viết giấy vay nợ, đến tháng tư lại tìm nửa tờ kia mà viết tiếp hả?
Tôn Thiên Hào nghe xong há hốc cả mồm ra, mồ hôi ướt đẫm người, đành phải nhận tội. Nguyên là tổ tiên nhà họ Tôn khi gặp cơn hoạn nạn đã cầm cố cho hiệu cầm đồ mới mở của tổ tiên Thẩm Tiểu Quan một chiếc quạt quí gia truyền.
Qua mấy đời không ai còn để ý đến việc này nữa. Năm ngoái nhà họ Tôn có một ông khách rất hợp nhau, lại có mối thù cũ với nhà họ Thẩm bịa đặt rằng chiếc quạt gia bảo đang nằm trong tay Thẩm Tiểu Quan. Đồng thời bày mưu kế này để bắt bí Thẩm Tiểu Quan, khế ước vay nợ cũng do người này viết ra. Cứ tưởng là đã hoàn hảo kín kẽ, ai ngờ bị Hồ tri huyện biết được, dẫn đến kết cục bị xử phạt tội nặng.